Trong 2 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu GVR của Tổng Công ty Cao su Việt Nam đã bật tăng với khối lượng thanh khoản cao chưa từng có trong lịch sử…
Cụ thể, trong 2 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu GVR liên tiếp tăng trần, điều này hiếm thấy đối với cổ phiếu này khi còn giao dịch trên sàn UPCOM. Phiên ngày 10/1, cổ phiếu GVR tăng trần lên 10.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên tới 9 triệu đơn vị. Ngày 13/4, cổ phiếu GVR tăng trần từ phiên sáng và đóng cửa ở mức 10.150 đồng/cổ phiếu với 23 triệu đơn vị cổ phiếu khớp lệnh. Theo các chuyên gia đây là một khối lượng chưa từng có trong tiền lệ. Nếu duy trì được khối lượng khớp lệnh cao như thế này, không sớm hay muộn cổ phiếu GVR sẽ lọt vào nhóm rổ cổ phiếu có tính thanh khoản cao trong rổ chỉ số VN30…
Tính đến nay chưa đầy 1 tháng, cổ phiếu GVR được chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE sau khi hủy niêm yết trên UpCOM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu GVR là 11.570 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM, giá cổ phiếu GVR đã đóng cửa ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa 50.000 tỷ đồng.
Hiện tại, cơ cấu của GVR bao gồm hơn 100 công ty, bao gồm 24 công ty do GVR sở hữu 100%, 80 công ty có quyền biếu quyết trên 50% và 21 công ty liên kết. Một số công ty con nổi bật của GVR đang được niêm yết trên sàn chứng khoán như Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Hòa Bình (HRC), Cao su Tân Biên (RTB), gỗ MDF Quảng Trị (MDF).
Với vị thế là một doanh nghiệp đứng đầu trong ngành cao su tự nhiên, GVR sở hữu một quỹ đất cực lớn. Quỹ đất này bao gồm phần lớn là đất canh tác cao su sạch có thế được chuyển đổi mục địch sử dụng sang đất khu công nghiệp hoặc bất động sản với chi phí thấp.
Đến năm 2025, dự kiến GVR sẽ chuyển đổi thêm 7.000 ha đất cao su thành đất công nghiệp, các khu đất này sẽ nằm ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước...
Ngoài việc có quỹ đất sạch lớn, bản kê tài sản của GVR cũng có một lượng tiền mặt dồi dào khoảng 13.600 tỷ đồng, tương ứng với 17% tổng tài sản hợp nhất của công ty. Quỹ đất và tiền mặt là động lực hỗ trợ cho GVR trong việc triển khai các dự án mới và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Hiện tại GVR đang có dự định thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không phải là cốt lõi và kém hiệu quả như du lịch, năng lượng, bất động sản để tập trung hơn vào mảng gỗ, cao su và phát triển khu công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
11:16, 11/03/2020
11:01, 24/08/2018
04:30, 22/05/2018
Theo Công ty Chứng khoán ACBS, mặc dù ban lãnh đạo GVR đã đề ra kế hoạch tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn 2018-2020, nhưng kết quả kinh doanh của GVR trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại, do có liên quan đến mặt bằng thấp của giá cao su.
Giá cao su đã giao dịch quanh mức 160 JPY/kg trong giai đoạn 2018-2019. Đến năm 2020, giá cao su đã có chút phục hồi, nhưng áp lực lên giá cao su lại xuất hiện trở lại trong tháng 3 khiến giá cao su lại quay về mức quanh 160 JPY/kg bởi những lo ngại về nhu cầu cao su suy giảm từ nhà tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc sau đợt bùng phát của dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, theo ACBS, với vị thế đầu ngành sở hữu quỹ đất đai rộng lớn, cổ phiếu GVR có thể sẽ bứt tốc trở lại khi dịch bệnh được đẩy lùi.