TCM “thấm đòn” COVID-19

Hà Phương 21/04/2020 11:10

Dịch COVID-19 đã và đang khiến các đơn hàng xuất khẩu của Công ty Dệt May- Đầu tư- Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) giảm mạnh ở các thị trường chủ lực.

Với tác động từ dịch COVID-19, không chỉ TCM, mà nhiều cổ phiếu dệt may khác như TNG, MSH… đã giảm trên dưới 40% trong thời gian qua.

p/Diễn biến doanh thu cốt lõi của TCM năm 2019. Đvt: tỉ VND.

Diễn biến doanh thu cốt lõi của TCM năm 2019. Đvt: tỷ VND.

Ảm đảm quý 1/2020

Năm 2019 được xem là năm không thành công của ngành dệt may nói chung và TCM nói riêng. Nguyên nhân chính do sự cạnh tranh về giá, biến động nguyên liệu khó lường, thị trường xuất khẩu sợi chính là Trung Quốc bị thu hẹp lại... Theo đó, trong năm 2019, TCM chỉ đạt doanh thu 3.644 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 217 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,5% và 17% so với năm 2018.

Đầu năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may khát nguyên liệu đầu vào vì chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, TCM là một trong những những doanh nghiệp hiếm hoi của ngành đã dự trữ lượng lớn nguyên liệu từ trước Tết do nắm được đặc điểm thị trường Trung Quốc thường nghỉ Tết dài, nên cũng không quá khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác. Mặc dù vậy, kết thúc quý 1/2020, Công ty mẹ TCM ghi nhận doanh thu chỉ hơn 764 tỷ đồng và lãi ròng hơn 32 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 19% và 50% so với kết quả cùng kỳ năm trước.

32 tỷ đồng là tổng lợi nhuận nhất sau thuế quý 1/2020 của Công ty mẹ TCM, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, TCM dự kiến đạt gần 3.780 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước tính đạt hơn 236,1 tỷ đồng. Kế hoạch này là một thách thức không nhỏ đối với TCM trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm vì dịch bệnh.

Khó hoàn thành kế hoạch 2020

Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, thì thị trường Châu Âu lại nghẽn lại vì dịch bệnh. Theo đó, TCM dự báo doanh thu năm nay sẽ giảm hơn so với các năm trước và lợi nhuận cũng vậy.

Ông Trần Như Tùng- Phó Chủ tịch HĐQT TCM, cho biết TCM may mắn hơn các doanh nghiệp khác trong ngành vì Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, về thị trường Mỹ và EU (giá trị xuất khẩu của TCM vào Mỹ và EU chiếm khoảng 35-40% doanh thu) thì TCM cũng bị ảnh hưởng chung, do đó TCM sẽ tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp, nhưng cũng không đơn giản vì dịch COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • TCM

    TCM "ngấm mệt" vì COVID-19

    00:52, 13/03/2020

  • Cổ phiếu TCM khó phục hồi mạnh ngắn hạn

    Cổ phiếu TCM khó phục hồi mạnh ngắn hạn

    11:00, 09/01/2020

  • TCM “thâu tóm” SAV

    TCM “thâu tóm” SAV

    11:01, 14/10/2018

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ, nên doanh thu và lợi nhuận của TCM sẽ bị giảm mạnh trong quý 1/2020; Nhật và Hàn cũng có giảm nhưng ít hơn, và hiện tại cũng chưa có thông tin phản hồi từ 2 thị trường này về giảm số lượng đặt hàng như thị trường Mỹ. Chính điều này đã làm TCM và nhiều doanh nghiệp dệt may vào thế khó chồng khó…”, ông Trần Như Tùng chia sẻ.

Hiện tại, các đơn hàng đã ký kết của TCM đến tháng 6, đạt 90% kế hoạch, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước bị hủy hoặc tạm ngưng đơn hàng…

Mặc dù vậy, theo BVSC, do chịu tác động tiêu cực từ thị trường Mỹ và EU, nên số lượng đơn hàng cả năm của TCM cũng sẽ giảm 8%, trong đó dự phóng doanh thu tại thị trường Mỹ và EU giảm lần lượt là 25% và 20% với giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt vào cuối quý 2/2020. Điều này sẽ khiến TCM khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020. 

Tia hy vọng cho ngành dệt may

Nhiều chuyên gia kỳ vọng với các biện pháp khống chế lây lan dịch tại các quốc gia thuộc EU và các bang tại Mỹ đang cho thấy cơ hội kiểm soát dịch ngay trong quý 2/2020. Cùng với các gói chính sách hỗ trợ tài khóa lẫn tiền tệ khổng lồ chưa từng có tiền lệ của các quốc gia sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế dần phục hồi trong quý 2/2020. Đây cũng là cơ hội cho TCM nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Năm 2020 sẽ là năm thứ 2 mà CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, qua đó các dòng thuế suất sẽ tiếp tục được cắt giảm theo lộ trình tại các thị trường thành viên. Cụ thể, tại Canada, thị trường được xem là tiềm năng thứ 2 sau Nhật trong khối CPTPP, hầu hết thuế suất với hàng may mặc sẽ giảm còn 4,5% trong 2020 và 0% trong 2021, bao gồm các mặt hàng áo đan kim (sản phẩm chủ lực của TCM). Thực tế, trong 2019, TCM đã phát triển và thực hiện đơn hàng đầu tiên cho thị trường Canada với việc đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”.

Với EVFTA, dệt may Việt Nam kỳ vọng được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh với việc 100% dòng thuế hàng may mặc sẽ được cắt giảm trong 7 năm tại thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, quy tắc xuất xứ theo EVFTA “từ vải trở đi” cũng hỗ trợ sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất vải nội địa, trong đó có TCM.

Hà Phương