Cổ phiếu TCM khó phục hồi mạnh ngắn hạn

Diễm Ngọc 09/01/2020 11:00

Yuanta Việt Nam cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE:TCM) ở mức khiêm tốn, khiến giá cổ phiếu này chưa phục hồi mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1, cổ phiếu TCM đóng cửa ở mức 20.650đ/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1, cổ phiếu TCM đóng cửa ở mức 20.650đ/cp.

TCM vừa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) 11 tháng đầu năm 2019 của công ty mẹ, theo đó doanh thu lũy kế đạt 3.288 tỷ đồng, giảm 5,9% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 206 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Sở dĩ LNST của TCM sụt giảm là do mảng sợi suy yếu khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, công ty không ghi nhận lợi nhuận từ việc thanh lý tài sản, trong khi cùng kỳ năm 2018 doanh nghiệp này ghi nhận 48 tỷ đồng từ việc thanh lý đất và tài sản. 

Theo Yuanta Việt Nam, LNST quý 4/2019 của TCM được dự báo phục hồi mạnh từ mức cơ sở thấp của quý 4/2018, do trong kỳ TCM đã phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu từ Sears. 

Đáng chú ý, dự án Thành Công Tower 1 của TCM đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM bổ sung vào danh sách các dự án phát triển nhà ở của thành phố trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, để được nhận giấy phép xây dựng cho dự án, TCM cần phải hoàn tất nhiều thủ tục pháp lý khác, do đó, thời gian triển khai chính thức của dự án vẫn chưa được xác định.

Cũng theo Yuanta Việt Nam, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của TCM ở mức khiêm tốn khi triển vọng kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2020 và cục diện căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn còn kéo dài, khiến các đơn hàng sẽ không dồi dào như trong năm 2018 và 2019. Một rủi ro nữa đối với TCM là chi phí nhân công có xu hướng tăng trong trung hạn do các doanh nghiệp FDI đổ bộ vào Việt Nam, khiến nhu cầu nhân công tăng lên. 

Có thể bạn quan tâm

  • TCM “thâu tóm” SAV

    TCM “thâu tóm” SAV

    11:01, 14/10/2018

  • Động lực tăng giá của TCM có còn lớn?

    Động lực tăng giá của TCM có còn lớn?

    04:50, 24/08/2018

Mặc dù vậy, TCM vẫn có những điểm sáng trong sản xuất kinh doanh, đó là TCM là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam có thể thỏa mãn được các quy định về xuất xứ từ sợi trở đi theo Hiệp định CPTPP. Điều này chủ yếu là nhờ TCM sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ sợi đến vải và hàng may mặc. 

Bắt đầu từ tháng 7/2019, TCM đã nhận được đơn hàng từ một số khách hàng mới ở Canada. Trong 11 tháng đầu năm 2019, những khách hàng này mới chỉ đóng góp khoảng 300.000 USD, tương đương khoảng 0,3% doanh thu hàng may mặc. Do đó, mức đóng góp này sẽ còn cao hơn nhiều trong những năm tới.

Đồng thời, TCM sẽ hợp tác với E-Land để triển khai dự án, trong đó TCM đóng góp quyền sử dụng đất, còn E-Land sẽ đóng góp chi phí xây dựng. Công ty sẽ đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất để ước tính tỷ lệ góp vốn của TCM trong dự án, quá trình định giá lại quyền sử dụng đất có thể sẽ giúp Công ty hạch toán khoản lợi nhuận phi tiền mặt khoảng 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc định giá đất sẽ chỉ được thực hiện sau khi TCM được cấp giấy phép xây dựng. Thời điểm hạch toán khoản lợi nhuận không thường xuyên này sẽ phụ thuộc vào thời gian nhận được giấy phép xây dựng, quá trình thẩm định quyền sử dụng đất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1, cổ phiếu TCM đóng cửa ở mức 20.650đ/cp. Trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu TCM đã giảm hơn 13%, nhưng trong tuần qua lại phục hồi 7,5% với khối lượng giao dịch khoảng 425.000 đơn vị/phiên.

Theo Yuanta Việt Nam, mức Stock Rating của TCM ở mức 60 điểm, mức tăng trưởng của cổ phiếu này được đánh giá là trung tính. Do đó, nhà đầu tư chưa nên mua mới đối với cổ phiếu này khi xu hướng tăng vẫn chưa bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu TCM khó phục hồi mạnh ngắn hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO