ANV "ngoi ngóp" giữa mùa dịch

Lê Mỹ 27/04/2020 11:30

Tăng trưởng tốt và ổn định từ 2016-2019, nhưng Công ty CP Thủy Sản Nam Việt (HoSE: ANV) lại khó đỡ những đòn giáng mạnh từ COVID-19.

Dịch COVID-19 đã khiến Trung Quốc – Hồng Kong, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN… - những nhà nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, phải lần lượt áp dụng phong tỏa nền kinh tế, khiến đầu ra của ANV bị bế tắc.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ANV.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ANV.

“Đông lạnh” thủy sản xuất khẩu

Trước bối cảnh trên, ANV đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay, dự phóng đà giảm sút doanh thu và lợi nhuận rất mạnh. Cụ thể, ANV đã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 71,5% so với năm 2019.

43 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2020 của ANV, giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu kinh doanh 2019, ANV đẩy mạnh xuất khẩu cá tra với cơ cấu tập trung ở một số thị trường như: Trung Quốc (31%), ASEAN (20%), EU (14%) và khác (36%). Tất cả các thị trường theo cơ cấu xuất khẩu của ANV thực tế đều đã có ảnh hưởng dịch bệnh, tăng độ khó dồn dập cho đầu ra cá tra. Nếu như việc tập trung cho thị trường Trung Quốc mang lại đại thắng cho ANV năm 2019, thì việc lệ thuộc thị trường này giờ đây khiến ANV gặp nhiều khó khăn.

Tự giảm áp lực cho chính mình thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo chỉ tiêu như nêu trên là một trong những phương án hạ bớt nhiệt lạnh xuất khẩu thủy sản nhằm chờ rã đông các thị trường mà ANV hướng tới. Doanh nghiệp cũng nỗ lực giảm lệ thuộc vào một số thị trường chính, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa, linh hoạt chuyển đổi các thị trường.

Thách thức chuyển hướng thị trường

Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ANV đạt 15,9 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ, dù sản lượng vẫn tăng trưởng 5%. Trong tháng 2, riêng doanh thu của ANV từ Trung Quốc giảm 87% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ các thị trường EU và Đông Nam Á vẫn tăng trưởng lần lượt ở mức 55% và 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song bức tranh này dự báo sẽ thay đổi khi từ cuối tháng 3 khi Trung Quốc đã mở lại thị trường, nhưng còn hạn chế. Trong khi đó, COVID-19 bùng phát ở Mỹ, Châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á, nên ANV sẽ phải linh hoạt chuyển đổi giữa tất cả các thị trường nói trên. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp này bởi việc luân chuyển giữa các thị trường không chỉ là chi phí, mà còn là cam kết với khách hàng hiện hữu. Hơn thế, việc muốn mở rộng thị trường hay tìm kiếm thị trường đều cần thời gian, chi phí tiếp xúc, xúc tiến thương mại, không phải “muốn mở” là mở được.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu ANV

    Cổ phiếu ANV "lao dốc" mạnh vì đâu?

    11:00, 14/01/2020

  • Cá tra Nam Việt

    Cá tra Nam Việt "gặp khó" vì virus corona

    00:00, 05/02/2020

  • Rủi ro tỷ giá bủa vây Nam Việt

    Rủi ro tỷ giá bủa vây Nam Việt

    11:00, 15/06/2019

  • Thuỷ sản Nam Việt với chiến lược 5 “ngôi sao”

    Thuỷ sản Nam Việt với chiến lược 5 “ngôi sao”

    04:42, 28/05/2019

Đáng chú ý trong chiến lược đặt ra ở tháng 2/2020, ANV dự kiến tập trung xuất khẩu vào Nam Mỹ và các thị trường khác ở Đông Nam Á, thay vì Trung Quốc. Rõ ràng không có chiến lược nào có thể vạch một đường thẳng cho hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo chu kỳ vài tháng đến một năm, trong khi COVID-19 là không thể lường trước. Do đó, vào lúc này, một lần nữa ANV có lẽ sẽ phải chuyển hướng chiến lược khi khó có lựa nào khác ngoài tiếp tục tranh thủ phụ thuộc, tiến sâu vào thị trường Trung Quốc nhằm đỡ cho tăng trưởng trước mắt. 

Thủy sản Việt bí đầu ra 

Theo thống kê của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất thủy sản Việt Nam đã sụt giảm 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm cũng như hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn khiến các nhà nhập khẩu tạm hoãn hoặc hủy đơn hàng. Minh Phú (MPC), Vĩnh Hoàn (VHC), Thực phẩm Sao Ta (FMC), và ANV là những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam đều đang gặp khó khăn rất lớn do người tiêu dùng hạn chế đi đến các chuỗi nhà hàng, khách sạn, hệ thống bán lẻ thực phẩm, siêu thị…

Hay như Thủy sản Hùng Vương (HVG), Thủy sản Cửu Long (CLP), Thủy sản An Giang (AGF)… cũng đã vật vã với cả thị trường kinh doanh chính lẫn sự bốc hơi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu lau sàn ở mức 2.100đ/cp khiến các doanh nghiệp như CLP, AGF… trở nên siêu rẻ trong mắt các nhà đầu tư. Đây chính là lúc thử thách sự vận động linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra, rã đông thủy sản và cần sự nỗ lực kích thích tiêu thụ ngay trên nội địa sân nhà.

Với riêng ANV, kinh nghiệm tái cơ cấu trường kỳ của doanh nghiệp trong vũng lầy đầu tư dàn trải hơn chục năm trước để trở về cốt lõi cá tra, hy vọng một lần nữa được nhiệt lực nhằm hóa giải thế khó trong đại dịch.

Lê Mỹ