Rủi ro tỷ giá bủa vây Nam Việt

Hà Phương 15/06/2019 11:00

CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) với hoạt động chính là xuất khẩu cá tra, nên những biến động khó lường của tỷ giá tác động tiêu cực đến hoạt động của Nam Việt.

Dự kiến đến cuối năm 2019, các thị trường xuất khẩu của Nam Việt gồm Trung Quốc (20%), Thái Lan (14%), Brazil (17%), Columbia (10%), Mexico (9%), EU (13%), Egypt (4%)…

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế

Lợi nhuận tăng tích cực

Nam Việt báo lãi quý I/2019 hơn 200 tỷ đồng, tăng 166% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của công ty cải thiện mạnh lên mức 30,5% quý I/2019 so với 17% quý I/2018.

Năm 2018 được xem là năm thành công của Nam Việt khi doanh thu đạt mức tăng trưởng 39,6% so với cùng kỳ, đạt 4.118 tỷ đồng, vượt 28,7% kế hoạch. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất mà Công ty từng đạt được nhờ việc gia tăng bán thành phẩm cùng việc mở rộng thị trường. Theo đó, Nam Việt ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 604 tỷ đồng năm 2018, tăng 322% so với năm 2017.

Theo Nam Viet, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Công ty tăng mạnh là do giá bán thành phẩm tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng tự chủ được nguồn nguyên liệu, kiểm soát được chi phí nên giá thành cạnh tranh trên thị trường.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh từ thị trường châu Âu (tăng 90%) và các nước ASEAN (tăng 24%). Đây cũng là 2 thị trường lớn nhất chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong quý I/2019 của Công ty.

200
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2019 của CTCP Nam Việt, tăng hơn 166% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2019, Nam Việt dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng doanh thu, ước tăng đến gần 46% so với doanh thu thực hiện năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2018, và dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Đầu tư mạnh cho vùng nguyên liệu

Nam Việt là một trong số ít doanh nghiệp đã khép kín được chuỗi giá trị cá tra với trại ươm cá giống, hơn 300 ha vùng nuôi, nhà máy thức ăn chăn nuôi Navifeed và 4 nhà máy sản xuất.

Tính đến đầu năm 2019, công ty chỉ mới tự chủ 30% cá giống. Dự kiến trong năm 2019, Nam Việt sẽ nâng mức tự chủ cá giống lên 70% và năm 2020 là 100%. Vùng nuôi của Nam Việt với tổng diện tích hơn 300 ha cung cấp trung bình 120.000 tấn cá nguyên liệu mỗi năm.

Nam Việt đã rót 540 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú để thực hiện dự án Bình Phú với gần 600 ha nuôi trồng, ước tính tổng sản lượng sau khi dự án Bình Phú hoàn thành (năm 2019) tăng lên 200.000 tấn cá/năm, từ đó đáp ứng đủ công suất nhà máy và đủ để bán ra bên ngoài.

Mặc dù việc tự chủ vùng nuôi mang lại cho Nam Việt biên lợi nhuận gộp khá cao, nhưng do không có được thị trường bền vững, Nam Việt phải "trích" lợi nhuận ngắn hạn để hướng đến tăng trưởng dài hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Việt và chiến lược đầu tư vào "vùng lõi" của cá tra

    06:00, 05/05/2019

  • Tham vọng vượt lên dẫn đầu ngành thủy sản có quá sức với Nam Việt?

    05:00, 15/03/2019

Thách thức khó lường

Với việc xuất khẩu là hướng kinh doanh chính của Nam Việt nên lượng ngoại tệ thu về chủ yếu là USD, chưa kể hiện Công ty cũng đang nắm giữ một lượng tài sản lớn được định giá bằng USD và các hợp đồng ký kết cũng được thanh toán chủ yếu bằng USD, nên biến động tỷ giá tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. Chính vì vậy, trong bảng cân đối kế toán, Nam Việt dành 758 tỷ đồng phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Bên cạnh đó, dù chỉ chiếm khoảng 1-2% doanh thu, nhưng lãi vay cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư quan ngại khi nhìn vào Nam Việt. Năm 2018, Nam Việt đã cắt giảm mạnh nợ dài hạn (chủ yếu dư nợ vay), song nợ ngắn hạn lại tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính đã công bố, tính đến hết quý 1/2019 nợ ngắn hạn hơn 1.306 tỷ đồng.

Chưa kể, đưa vào vận hành nhà máy Bình Phú giai đoạn 1 cũng như tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy này sẽ khiến dòng tiền đầu tư của Nam Việt gia tăng gấp đôi áp lực trong năm 2019.

Ngoài ra, một số vùng ở Trung Quốc bắt đầu đổ xô nuôi cá tra và được chính phủ hỗ trợ. Tương tự, Myanmar cũng mở rộng vùng nuôi cá tra lớn … Với việc đang khai thác đáng kể thị trường Trung Quốc, Nam Việt ít nhiều bị ảnh hưởng bởi diễn biến trên. Chưa kể, thị trường Trung Quốc cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi các chính sách thường xuyên thay đổi.

Hóa giải thách thức cá tra Việt

Theo dự báo của VASEP, dù đang mở rộng vùng nuôi cá tra, nhưng Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực cũng là cú hích cho xuất khẩu cá tra vào EU. Riêng đối với Mỹ, năm 2019 được dự báo tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam khi sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng tạo uy tín cho ngành cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự báo sẽ sụt giảm, cộng với chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, sẽ tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có ngành sản xuất cá tra. Trong khi đó, việc nuôi cá tra tại Việt Nam hiện phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao; chất lượng con giống vẫn chưa được bảo đảm; quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Trước bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu đặt ra, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cá tra cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tất cả công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi cá tra ở địa phương, từ đó có giải pháp vận động người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi, không để xảy ra tình trạng tự phát tăng diện tích nuôi vượt kiểm soát, dẫn tới thừa nguồn cung chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp sản phẩm xuất đi các nước trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rủi ro tỷ giá bủa vây Nam Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO