Cổ phiếu thuỷ sản nào sẽ bật tăng hậu dịch COVID-19?
Đại dịch COVID-19 đã có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thuỷ sản, cũng như giá cổ phiếu của nhóm ngành này.
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2020 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường sụt giảm cũng như những khó khăn trong vấn đề vận chuyển khiến các đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Điển hình, xuất khẩu cá tra giảm mạnh ở tất cả các thị trường. Trong đó, Mexico là thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 57,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, Trung Quốc - Hồng Kông là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể (-36,4%). Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 34,5 triệu USD, tăng 109% so với hồi đầu tháng 1. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra quý 1/2020 đạt 334,1 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bù lại, xuất khẩu tôm quý 1/2020 tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn tăng trưởng nhẹ, đặc biệt tại 2 thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất là Nhật Bản (tăng 8,4%) và Mỹ (tăng 18,2%). Tính riêng mảng xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm ghi nhận 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2019.
Hiện nay, tình hình dịch ở Trung Quốc đã được kiểm soát nhưng tại các nước Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Xuất khẩu cá tra trong tháng 3 qua thị trường Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông ghi nhận những con số khả quan so với đầu năm nay.
Tuy nhiên theo Yuanta Việt Nam, giá trị xuất khẩu trong tháng 4 nói riêng và quý 2 nói chung sẽ không tích cực hơn so với quý 1. Bởi vì việc cách ly xã hội tại Mỹ và các nước EU mới bắt đầu từ cuối tháng 3, tới nay đã nới lỏng nhưng dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát được. Điều này sẽ khiến cho các giao dịch thương mại và hoạt động vận chuyển diễn ra cầm chừng. Ngoài ra, các hệ thống nhà hàng, khách sạn tạm ngưng hoạt động khiến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường EU, Mỹ... cũng bị giảm mạnh.
Với việc EU đã hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong tháng 7 tới, Yuanta kỳ vọng việc xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn sang thị trường châu Âu và Mỹ kể từ quý 3/2020 với điều kiện dịch bệnh không bùng phát mạnh hơn.
Triển vọng cổ phiếu thủy sản
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết so sánh mức độ biến động của ngành thủy sản từ đầu năm 2018 tới nay, ngành thủy sản đang tăng trưởng tốt hơn so với VN-Index. Kể cả từ đầu năm tới nay, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong ngành, nhưng tăng trưởng chỉ số ngành vẫn tốt hơn so với thị trường chung. P/E của ngành thủy sản đang khá cao, khoảng 20.x lần, trong khi P/E của VN-Index vào khoảng 12.x lần.
Cũng theo ông Minh, xét 7 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước có niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá trị xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp niêm yết này giảm 25% so với cùng kỳ, cao hơn hẳn so với con số giảm 9,7% của toàn ngành thủy sản.
Trong đó, Thủy sản Minh Phú (MPC) với thị trường lớn nhất là Mỹ, chiếm 40% giá trị xuất khẩu, mặt hàng chủ lực là tôm đã bị giảm 22,7% so với Q1/2019. Trong Q2/2020 tình hình xuất khẩu khả năng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Tương tự, Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá tra đã bị giảm 22,7% so với Q1/2019. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã dần hồi phục nhưng giá bán sang thị trường này thấp hơn so với EU và Mỹ. Do đó sản lượng có thể tăng, song doanh thu sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Navico (ANV) chủ yếu xuất khẩu cá tra, sụt giảm 39% giá trị xuất khẩu so với Q1/2019. Dự kiến doanh thu sẽ dần ổn định trở lại trong Q2/2020 khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng đã được kiểm soát. Hay Thủy sản Sao Ta (FMC) với cơ cấu xuất khẩu những năm gần đây dịch chuyển dần sang thị trường EU, sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA.
Có thể bạn quan tâm
Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?
11:00, 10/05/2019
MPC lại “còng lưng” gánh hạn
11:00, 01/03/2020
Nhà đầu tư tiếp tục quay lưng với cổ phiếu MPC?
03:40, 21/01/2020
ANV "ngoi ngóp" giữa mùa dịch
11:30, 27/04/2020
Cổ phiếu ANV "lao dốc" mạnh vì đâu?
11:00, 14/01/2020
Về triển vọng trong ngắn hạn, ông Minh cho rằng, những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc như VHC, ANV có thể sẽ khả quan hơn so với Q1/2020. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có giá bán thường thấp và dễ bị các nhà nhập khẩu ép giá khi nguồn cung dư thừa, nên sản lượng có thể tăng nhưng doanh thu tăng trưởng không tương xứng.
Ngược lại, EU và Mỹ là hai thị trường khó tính nhưng đơn giá xuất khẩu lại cao hơn Trung Quốc. EVFTA có hiệu lực trong tháng 7 tới sẽ giúp các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn qua EU như FMC hưởng lợi. Xuất khẩu sang EU yêu cầu nhiều chuẩn mực về chất lượng khắt khe hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc, việc đạt được các chuẩn mực này cũng tạo được bước đệm để xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường khó tính như Mỹ.
“Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát thì sản lượng xuất khẩu thủy sản qua thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn sang Mỹ như MPC, FMC, VHC sẽ ghi nhận doanh thu xuất khẩu tích cực hơn kể từ quý 3 và quý 4 trở đi”, ông Minh nhận định và cho biết thêm, các cổ phiếu này sẽ có cơ hội tăng giá.