Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 5?

Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam 12/05/2020 05:00

Nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt kể từ tháng 5/2020, triển vọng phục hồi cho thị trường chứng khoán là khá tích cực.

Tác động đa chiều

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn FDI giải ngân 4 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% và tổng vốn đăng ký đạt 12,33 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore tiếp tục dẫn đầu về vốn đầu tư FDI, lần lượt tiếp theo là Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Vốn FDI giải ngân tháng 4 và tổng vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ

Vốn FDI giải ngân và tổng vốn đăng ký trong tháng 4 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 đạt 40,1 tỷ USD, giảm 13,4% so với tháng 3. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng kim ngạch đạt 162,83 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Điều này có được là do những ngày cuối tháng 3 các doanh nghiệp đã đốc thúc đẩy nhanh các đơn hàng đi trước giai đoạn cách ly xã hội diễn ra ở Việt Nam và các nước.

Đối với xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm mạnh so với tháng trước, phần lớn do trong tháng 3 Samsung đẩy nhanh ra mắt các sản phẩm mới để kịp tung ra thị trường trước khi vào giai đoạn cách ly xã hội, khiến doanh số tháng 4 giảm mạnh so với tháng 3. 

Xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm sút một phần do việc cách ly xã hội diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, một phần do nhiều đơn hàng dệt may từ EU, Mỹ, Hàn Quốc cũng đã tạm ngưng từ giữa tháng 3. Khả năng xuất khẩu dệt may trong tháng 5 vẫn tiếp tục giảm.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 cũng giảm 10,5% so với cùng kỳ và giảm 13,3% so với tháng trước. Trong đó, nhóm ngành Công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác ghi nhận mức giảm kỷ lục 59,2% so với cùng kỳ, được cho là thấp nhất trong 10 năm qua. Riêng ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tiếp tục là ngành có chỉ số sản xuất tăng trưởng tốt nhất, ghi nhập mức tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ vậy, chỉ số PMI tiếp tục giảm mạnh phá kỷ lục tháng 3 vừa qua, với số điểm 32,7 điểm trong tháng 4. Đây là mức giảm chưa từng có trong lịch sử cho thấy những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. 

Lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lữ hành tiếp tục giảm mạnh 452%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,6%. Hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần trở lại, tháng 5 và tháng 6 được kỳ vọng sẽ ghi nhận các con số tích cực hơn...

Hai kịch bản cho chứng khoán

Tình hình sản xuất tháng 5 sẽ được cải thiện hơn nhiều, vì việc cách ly xã hội tại Việt Nam và một số nước trên thế giới đã dần nới lỏng. Các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại và nhu đặt hàng khả năng sẽ tăng. Về dài hạn thì vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế cả nước sẽ trông chờ nhiều vào hiệu quả của đầu tư công. Trước các động thái gần đây từ phía Chính phủ, các dự án đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong quý 3 và quý 4, góp phần đưa lại kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong những tháng còn lại của năm 2020.

Dựa trên những phân tích trên, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ đi theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: Các quốc gia nới lỏng cách ly xã hội và số ca mắc nhiễm mới giảm dần. Chỉ số VN-Index có thể sẽ đi ngang và duy trì đà tăng trong tháng 05/2020. Theo đó, VN-Index sẽ hướng về vùng giá 898 – 939 điểm. 

Kịch bản 2: Tình hình dịch bệnh khó kiểm soát sớm hơn. Chỉ số VN-Index có thể hình thành xu hướng giảm ngắn hạn. Theo đó, VN-Index giảm về vùng giá 705,5 – 723 điểm và sau đó quay trở lại đà tăng về vùng giá 870 – 910 điểm. 

Yuanta dự báo chỉ số VN-Index duy trì đà tăng trong tháng 5 và hướng về vùng giá 898 – 939 điểm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt

Diến biến của VN-Index trong những phiên giao dịch vừa qua

Trong 2 kịch bản trên, kịch bản 1 sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn bởi tình hình dịch bệnh dần ổn định và các quốc gia đang lên kế hoạch nới lỏng cách ly xã hội.

Nhóm cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn Nhà nước trong năm 2020 và nhóm cổ phiếu thủy sản với kỳ vọng xuất khẩu tăng trở lại được đánh giá cao.

Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2020 nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong quý 3 và quý 4 sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm ngành vật liệu xây dựng (HPG, KSB, DHA, CTI) và ngành hạ tầng (FCN, C4G). Đồng thời, làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được hưởng lợi như PHR, NTC, KBC, SZC.

Các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỷ trọng phù hợp khoảng 70% cổ phiếu.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán tháng 5 sẽ đi ngang

    Chứng khoán tháng 5 sẽ đi ngang

    11:30, 10/05/2020

  • Câu chuyện cuối tuần: Chứng khoán Việt Nam trước mùa “Sell in May”

    Câu chuyện cuối tuần: Chứng khoán Việt Nam trước mùa “Sell in May”

    07:00, 09/05/2020

  • Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5

    Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5

    07:00, 30/04/2020

  • Chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro giảm điểm

    Chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro giảm điểm

    11:20, 29/04/2020

  • Chứng khoán sẽ tiếp tục phân hóa mạnh

    Chứng khoán sẽ tiếp tục phân hóa mạnh

    04:40, 28/04/2020

Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam