SII “đuối nước”

Lê Mỹ 12/05/2020 11:30

Việc chạy theo đầu tư tài chính trong bối cảnh chưa gỡ vướng được nghĩa vụ nợ, có thể khiến Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn (HoSE: SII) bị “đuối nước” kéo dài.

SII đã được ĐHCĐ thông qua kế hoạch lỗ năm 2020 gần 41 tỷ đồng, một mức lỗ kế hoạch không nhỏ cho hoạt động của doanh nghiệp cả một niên độ.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SII

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SII

Có lãi nhờ hỗ trợ

SII có tiền thân là Công ty Xây dựng Việt Thành, và bước chân vào ngành nước với tên SaigonWater từ năm 2013, cùng sự đồng hành của đối tác chiến lược Manila Water. Hai doanh nghiệp này là 2 cổ đông chiến lược của Công ty Cấp thoát nước Củ Chi (SII nắm 50,98% vốn).

41 tỷ đồng là tổng số lỗ ròng hợp nhất theo kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà Đại hội Cổ đông SII đã thông qua.  

Đến cuối 2019, tính cả Cấp thoát nước Củ Chi, SII có 7 công ty con và 1 liên kết. Tại cuối 2019, tổng doanh thu hợp nhất của SII đạt 456,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nước tăng 119% và doanh thu dịch vụ nước chỉ tăng 27% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, tổng chi phí lên tới 486,5 tỷ đồng, cao hơn doanh thu. Tình trạng này kéo dài từ năm 2017 đến nay do chi phí tài chính đầu tư, khấu hao ban đầu ở các nhà máy nước cao khiến Công ty phải trả lãi vay cả trăm tỷ đồng/năm.

Dù vậy, kết quả hợp nhất mấy năm qua của SII vẫn ghi nhận có lãi nhờ khoản hỗ trợ để bù đắp hoạt động kinh doanh.

Cần tái cấu trúc tài chính

Từ 2020, SII không còn được khoản hỗ trợ theo nguồn phân bổ như những năm trước. Sản lượng của một số công ty con như Saigon Dan Kia (SII nắm 90%) dự kiến sẽ tăng lên 27.000 m3/ngày so với 25.000 m3/ngày trong năm 2019. Tân Hiệp (Công ty liên kết mà SII nắm 43%) cũng dự kiến tăng sản lượng lên 300.000 m3/ngày từ quý 3/2020. Tuy nhiên, nguồn thu từ 2 công ty này cũng như từ các đơn vị thành viên khác như Gia Lai, BOO vẫn không đủ bù đắp khoản lỗ từ dự án Củ Chi (50,98%) và Saigon Pleiku (55%) do nợ vay của Công ty đang khá lớn.

Tại Báo cáo thường niên 2019, tổng nợ của SII tại cuối 2019 là 1.271 tỷ đồng. Nghĩa vụ nợ nặng gánh, trong khi nguồn hỗ trợ đã hết mà các dự án lại chưa kịp hoàn tất khấu hao và sinh lãi là những thách thức mà SII sẽ phải đối mặt. Do đó, SII cần tái cấu trúc tài chính, có nguồn lực mới thì mới thoát cảnh thu không đủ bù chi.

“Tay chơi” đầu tư tài chính

Trong cấu trúc doanh thu, SII lại là một “tay chơi” đầu tư tài chính với các khoản doanh thu tài chính không nhỏ. Là Công ty con do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) kiểm soát lợi ích kinh tế 50,61%, được lãnh đạo bởi Chủ tịch HĐQT CII và có sự tham gia trong HĐQT của ông Lê Quốc Bình, đương kim TGĐ CII, SII thúc đẩy tìm doanh thu tài chính khiến giới chuyên môn không khỏi quan ngại doanh nghiệp này có thể là bản sao của CII với các thương vụ M&A và đầu tư tài chính chồng chéo.

Một chuyên gia cho rằng nếu đầu tư tài chính được chuẩn hóa để Công ty tăng năng lực kiểm soát tại các công ty con và liên kết, thì đó sẽ là cơ hội dài hạn để SII tăng thu liên kết như trường hợp của REE. Song nếu SII chọn hướng đầu tư tài chính để phục vụ mục đích khác, thì có thể bị “đuối nước” trong bối cảnh chưa gỡ vướng được nghĩa vụ nợ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội rộng “cửa” hút đầu tư vào ngành nước

    Hà Nội rộng “cửa” hút đầu tư vào ngành nước

    13:08, 20/03/2019

  • Cổ phiếu ngành nước: Khi nào hết cảnh bị lãng quên?

    Cổ phiếu ngành nước: Khi nào hết cảnh bị lãng quên?

    11:00, 27/02/2019

Ngành nước bán 2 lãi 1

Sau rất nhiều năm giữ nguyên mặt bằng giá bán nước sạch, đến cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã ban hành giá bán lẻ nước sạch mới. Do dịch COVID-19, UBND, TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị ngành nước phải giảm giá bán. Tuy nhiên, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tích cực, nên các doanh nghiệp nước trên địa bàn TP.HCM đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu quý I/2020, và được kỳ vọng tiếp tục trong năm nay.

Trên triển vọng chung, nước sạch đang là một trong những ngành mà Nhà nước có chính sách trợ giá, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư tư nhân. Một khi đã “chen” được chân vào ngành này, thì bù đắp cho suất đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, doanh nghiệp đã có các hỗ trợ địa phương dựa trên giá thành sản xuất đã bao gồm chi phí khấu hao kết hợp với chi phí lãi. Do đó, khi địa phương dừng hỗ trợ thì dự án đã khấu hao xong, vận hành ổn định, doanh nghiệp sẽ có điều kiện “bán 2 đồng lãi 1 đồng”.

SII ì ạch là bởi chưa tận dụng được điều này. Trong khi sức hấp dẫn ngành đã được chứng minh với REE bền bỉ xây dựng chân rết của mình trong ngành nước trải dài từ Nam tới Bắc, hay Nhà máy nước mặt Sông Đuống mới vận hành giai đoạn đầu đã bán cổ phần cho Thái Lan là những ví dụ.

Lê Mỹ