Lãi vay còn dư địa giảm thêm!
Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu giảm, kể cả các kỳ hạn dài với sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn. Điều đó làm dấy lên kỳ vọng mặt bằng lãi vay sẽ giảm thêm.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lớn đã giảm tổng cộng 0,6-0,75 điểm phần trăm với kỳ hạn dưới 12 tháng về mức 4-5,5%/năm, và giảm từ 0,65-1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 12, 13 tháng về mức 5,7-6,2%/năm.
Lãi suất huy động giảm
Mặc dù các ngân hàng nhỏ vẫn đứng ngoài cuộc đua giảm lãi suất huy động, song thị phần của các ngân hàng này là không lớn nên không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất huy động chung. Hơn nữa, các ngân hàng nhỏ đều bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế. Vì vậy, nhiều khả năng các nhà băng này cũng sẽ phải giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.
Nguyên nhân khiến các nhà băng giảm lãi suất huy động chủ yếu do thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, nhờ lượng tín phiếu mà NHNN phát hành hồi giữa tháng 2 dần đáo hạn. “Thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Lượng tín phiếu lưu hành tại cuối tháng 5 đã thu hẹp về mức 27 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn gần hết (25 nghìn tỷ đồng) trong tuần này”, SSI cho biết.
Thanh khoản dồi dào kéo lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ trong tuần cuối tháng 5 và hiện đang đứng ở mức rất thấp. Theo đó, hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chỉ dao động quanh mức 0,4%/năm, trong khi kỳ hạn 1 tuần là 0,6%/năm, 2 tuần chỉ là 0,78%/năm - thấp nhất kể từ đầu năm.
Tiếp tục nới lỏng tiền tệ
Đà giảm lãi suất càng được hỗ trợ khi mà lạm phát cũng có xu hướng giảm tốc mạnh và dự báo sẽ còn giảm tiếp do tổng cầu của nền kinh tế suy yếu vì đại dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tiếp tục giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI giảm, qua đó kéo CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 giảm tiếp về mức 4,39% từ mức 4,90% của 4 tháng đầu năm.
Đặc biệt, hiện tín dụng vẫn đang tăng trưởng ì ạch và thấp hơn nhiều tốc độ tăng của huy động vốn cũng sẽ kéo cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay giảm. “Lãi suất là giá của đồng vốn và cũng tuân theo quy luật cung cầu. Hiện cung vốn đang dồi dào, trong khi cầu vốn yếu, lãi suất tất yếu sẽ giảm thêm”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Trong khi đó, Chính phủ vẫn đang có chủ trương kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch. Thực hiện chủ trương này, NHNN đã cắt giảm tiếp các mức lãi suất điều hành từ giữa tháng 5 để hỗ trợ các nhà băng giảm lãi vay cho nền kinh tế. Nhà điều hành cũng cam kết sẽ duy trì thanh khoản của hệ thống luôn trong trạng thái dồi dào.
Thậm chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng còn dự báo, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào cuối tháng 6, NHNN có thể sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong nửa cuối năm 2020 nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Giảm lãi suất điều hành tác động ra sao đến mặt bằng lãi vay?
04:30, 15/05/2020
GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ngân hàng giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn khó lách khe cửa vốn
05:56, 09/05/2020
Còn cửa giảm thêm lãi vay
11:10, 17/04/2020
Thanh khoản căng trở lại, cản trở đà giảm lãi vay?
06:01, 14/04/2020