Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa qua của Chính phủ, Thống đốc NHNN cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp.
Vậy các NHTM hiện còn nhiều dư địa giảm lãi vay hay không khi mà trong thời gian qua, các tổ chức này đã giảm khá mạnh lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19?
Dư địa giảm lãi vay
Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất khá tích cực. Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN đã giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1% vào 17/3 vừa qua. Cùng với đó là việc ban hành các chính sách để các NHTM có cơ sở cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho khách hàng của mình. Đồng thời, NHNN tái cấp vốn 16.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với lãi suất 0% trong gói an sinh xã hội.
Các NHTM đi đầu là nhóm big four đã giảm lãi suất rất mạnh trên quy mô hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ theo kế hoạch công bố. Lãi suất vay thấp của các tổ chức này đã khá tiệm cận lãi suất huy động.
Ở nhóm các NHTM lớn, việc ban hành các chương trình hỗ trợ mạnh tay cũng đưa lãi suất cho vay về khoảng từ 6%, theo công bố.
Như vậy, đưa lãi suất vay về sát gần mức lãi suất huy động, thì phần nào đó, nhà băng có thể đã phải gánh lỗ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực theo hướng dịch bệnh là tạm thời nhưng khách hàng là dài lâu.
Mặc dù vậy dự địa giảm lãi vay vẫn còn, nhưng chỉ ở những NHTM chưa hạ mạnh lãi vay, hoặc đã hạ để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, nhưng mức hạ còn chưa nhiều hay chưa mở rộng ra cho nhiều đối tượng.
Theo nhiều dự báo, lạm phát ở quý II/2020 khó trở thành nguy cơ lớn của nền kinh tế khi tổng cầu thấp, tỷ giá đã được NHNN cam kết điều hành ổn định với nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể tới 84 tỷ USD. Song lãi suất cho vay của các NHTM vẫn khó giảm mạnh xuống mức quá sâu.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 14/04/2020
11:30, 31/03/2020
20:00, 24/02/2020
11:10, 15/04/2020
05:09, 15/04/2020
Nguyên nhân là các ngân hàng, từ góc độ tổ chức kinh doanh tiền tệ, vẫn phải chịu trách nhiệm chính với các khoản cho vay của mình, với tiền của cổ đông, của tổ chức, cư dân mà họ huy động và pháp luật của Nhà nước. Ngành ngân hàng cũng đã có khoảng 5 năm vật lộn với nợ xấu và 5 năm kế tiếp để thoát ra cân bằng bảng cân đối tài sản sạch, hướng đến chuẩn mực mới, nếu không thận trọng, có thể quay trở lại vạch xuất phát của 10 năm trước.
Ở trong tương quan với các biến số kinh tế vĩ mô, tiền tệ..., việc điều chỉnh chính sách để hạ lãi suất, tăng bơm tiền… phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Bởi vấn đề kinh tế hiện tại không phải hoàn toàn do thiếu tiền, mà vấn đề nằm ở chỗ luân chuyển của dòng tiền chung đang bị kẹt. Không luân chuyển dòng tiền thì hấp thu vốn mới, với lãi suất dù có thấp, cũng không có ý nghĩa. Nếu bơm tiền, hạ lãi suất không hợp lý, có thể phát sinh thêm rủi ro khi tiền có thể bị đổ vào khu vực phi sản xuất, gây bong bóng tài sản và có thể làm các ngân hàng tăng thêm rủi ro nợ xấu.
Do đó, hàm ý chính sách lúc này sẽ là sự mềm dẻo nhưng thận trọng đối với các ý định nới lỏng tiền tệ. Thay vào đó, tăng đầu tư công phù hợp sẽ có giá trị “đầu kéo” lớn hơn khi góp phần tăng lực luân chuyển vốn lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác.