Tín dụng - Ngân hàng

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bão Wipha

Lê Mỹ 25/07/2025 17:00

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tại địa bàn của các Ngân hàng Khu vực có bão số 3 (Wipha) đổ bộ rà soát để đánh giá thiệt hại, hỗ trợ cho khách hàng.

Từ ngày 19/7/2025 đến nay, cơn bão số 3 (WIPHA) đổ bộ với phạm vi và cường độ ảnh hưởng rộng, làm thiệt hại đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 6459/NHNN-TD ngày 25/7/2025 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là các tổ chức tín dụng) và NHNN chi nhánh tại các Khu vực 1, Khu vực 3, Khu vực 4, Khu vực 5, Khu vực 6, Khu vực 7, Khu vực 8, Khu vực 12 thực hiện:

Bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN không chỉ phù hợp với thực tiễn điều hành tài chính, tiền tệ vốn đòi hỏi tính phản ứng nhanh và linh hoạt, mà còn giúp giảm bớt các thủ tục hành chính mang tính trung gian, rút ngắn thời gian phản ứng chính sách trong bối cảnh cần hỗ trợ kịp thời cho các TCTD yếu kém, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống. Ảnh minh họa
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), nhiều ngân hàng đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại một số chi nhánh và phòng giao dịch ở các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình... nhằm đảm bảo an toàn. Các ngân hàng đã và đang nhanh chóng khôi phục hoạt động, đánh giá tình hình thiệt hại để hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN. Ảnh minh họa

Đối với các tổ chức tín dụng: Yêu cầu chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, đánh giá tình hình của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.

Các tổ chức tín dụng hướng dẫn khách hàng đang vay vốn hoàn thiện hồ sơ thực hiện các biện pháp xử lý nợ theo quy định (nếu phát sinh).

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu đối với NHNN chi nhánh tại các Khu vực làm đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra theo nội dung tại văn bản.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu NHNN địa bàn phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, các Khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3.

NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các Khu vực nêu trên khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh tại các Khu vực kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, xử lý.

Trước đó, thông tin sơ bộ chiều ngày 24/7 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thống kê nêu, cơn bão số 3 (bão Wipha), dông trước bão và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong đó có hai đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng từ ngày 17 đến 19/5 và từ ngày 20 đến 22/6 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trận dông lốc xảy ra vào ngày 19/7 (trước thời điểm bão Wipha đổ vào đất liền) tại tỉnh Quảng Ninh khiến chìm tàu du lịch Vịnh Xanh 58, đã làm 39 người chết, mất tích.

Hoàn lưu bão số 3 cũng gây ra mưa lũ lớn tại Nghệ An, khiến nhiều ngôi nhà, công trình, nhiều trường học, trạm y tế ở một số xã miền núi, biên giới của tỉnh này bị hư hỏng, chìm trong biển nước.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thống kê từ đầu năm đến hết ngày 23/7, đến hết ngày 23/7, thiên tai nghiêm trọng đã làm 114 người chết, mất tích và gây thiệt hại kinh tế trên 553 tỷ đồng. Còn trong năm 2024, năm cũng chịu ảnh hưởng thiên tai và đặc biệt cơn bão Yagi và mưa lũ sau bão, đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ riêng tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi đã lên tới trên 84.500 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2024, thống kê cho thấy bão Yag ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ngân hàng. Các tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng có tổng dư nợ ngắn hạn khoảng 3.952 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,49% tổng nợ ngắn hạn của cả nước, theo số liệu của FiinGroup. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 53 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão Yagi. Theo quy định, ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư 53, có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Như vậy đến hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt nhóm đi đầu các chính sách - những ngân hàng có vốn Nhà nước và có thị phần lớn ở các tỉnh thành cũ như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank hiện vẫn đang thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 từ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bão Wipha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO