Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) vừa yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện khẩn cấp phương án ứng phó bão số 3 (bão WIPHA).
Theo đó, các Tổng Công ty: Khoáng sản, Điện lực, Việt Bắc, Hoá chất mỏ; Các đơn vị: Đồng Tả Phời, Địa chất Việt Bắc, Địa chất và Khoáng sản, Kinh doanh than miền Bắc; Các Công ty con, đơn vị trực thuộc TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ứng phó bão số 3.
Thực hiện nghiêm túc phương châm 3 trước và 4 tại chỗ
Bên cạnh việc theo dõi thường xuyên diễn biến bão và mưa lớn do bão số 3 gây ra từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (http://www.nchmf.gov.vn), các đơn vị triển khai phương án phòng chống bão, mưa lớn của đơn vị, thực hiện nghiêm túc theo phương châm “3 trước” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ) theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng.
Đồng thời, thông báo đến tất cả cán bộ công nhân viên trong đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão tại nơi làm việc và nơi ở; Các đơn vị tổ chức trực ban, kể cả các ngày nghỉ tại Trung tâm điều hành sản xuất của đơn vị cho đến khi khắc phục xong các ảnh hưởng của mưa bão.
Các đơn vị có vận tải thủy kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện và thông báo yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh; neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn cho phương tiện và tài sản, hàng hóa; Thực hiện gia cố, giằng néo, chằng chống chắc chắn các thiết bị, kho tàng, nhà cửa, tài sản, nhất là các thiết bị có chiều cao lớn tại khu vực cảng biển.
Ảnh hưởng hoàn lưu của bão gây mưa lớn diện rộng, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Do vậy, các đơn vị tập trung thực hiện việc khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước phòng ngừa nguy cơ ngập úng; Gia cố, chống xói lở các công trình phòng chống mưa bão.
Bên cạnh đó, triển khai rà soát kỹ lưỡng các sườn địa hình đồi, sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc... phòng ngừa sạt lở đất, không đảm bảo an toàn. Trong đó, lưu ý các lán trại tạm của các đơn vị có công trình khoan địa chất thăm dò.
Chủ động phương án cho từng đơn vị đặc thù
Đối với các đơn vị khai thác than, khoáng sản lộ thiên: kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng bãi thải, khai trường, bờ mỏ, đập chắn hồ thải quặng đuôi (đặc biệt lưu ý các đơn vị khai thác than ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên; khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai đảm bảo an toàn bãi thải và đập hồ hồ chứa quặng đuôi); củng cố các đai tầng thoát nước đảm bảo an toàn khi mưa bão.
Thực hiện di chuyển các thiết bị lên vị trí an toàn đề phòng sạt lở tầng và ngập moong khai thác theo Phương án ứng phó các tình huống mưa bão; cắm biển báo, canh gác, ngăn chặn không cho người vào khu vực đang có nguy cơ sạt lở đất, bờ mỏ… Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Đối với các đơn vị khai thác hầm lò than và khoáng sản: kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, tường ngăn, cửa kín hầm bơm, hầm chứa nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới; khi có lượng nước gia tăng đột biến xuống khu vực khai thác hầm lò, các đơn vị chủ động dừng sản xuất, rút người ra vị trí an toàn. Chuẩn bị đủ cơ số nhiên liệu cho các máy phát điện diesel dự phòng.
Củng cố tường bao, che phủ bạt chắc chắn các kho, bãi chứa than và khoáng sản đảm bảo không để trôi than và khoáng sản khi có mưa, lũ. Lưu ý tăng cường công tác che phủ bãi chứa than đối với các đơn vị sản xuất, chế biến than, đơn vị cuối nguồn.
Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cung cấp điện, dự trữ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Cảnh báo đến tất cả CBCNV, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đập tràn, đường qua suối khi mưa to; khi có lũ, cử người trực, canh gác tại các đập tràn, đường tràn do đơn vị quản lý.
Chuẩn bị đủ cơ số dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc y tế, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng những vùng có nguy cơ bị cô lập khi mưa lũ; bảo đảm an ninh trật tự trong và sau mưa, bão.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Hồi 07 giờ ngày 19/7/2025, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 12; bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Dự báo đến 07h ngày 20/7 bão ở vào khoảng 21,8 độ vĩ Bắc; 115,7 độ kinh Đông trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600 km về phía Đông, gió cấp 10-11, giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.
Bão số 3 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh. Dự báo đến 07h ngày 21/7, bão ở trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và di chuyển theo hướng Tây vào vùng biển phía Đông khu vực vịnh Bắc Bộ, gió cấp 11-12, giật cấp
14. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Ảnh hưởng do hoàn lưu của bão số 3 sẽ gây mưa rất lớn diện rộng trên phạm vi các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tối ngày 19/7/2025, ngay sau khi nhận được sự điều động từ lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, 5 thành viên Đội lặn chuyên nghiệp của Trung tâm đã khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn tại hiện trường vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm Cấp cứu mỏ Đào Văn Yên, lực lượng lặn của Trung tâm đã phối hợp hiệu quả cùng các đơn vị: Hải quân, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng khác đã tham gia trục vớt thành công tàu bị lật, đưa được các nạn nhân còn mắc kẹt trong khoang ra ngoài, lai dắt tàu về bờ an toàn, đảm bảo an toàn cho lực lượng và thiết bị tham gia.
Sự tham gia kịp thời, chuyên nghiệp và hiệu quả của lực lượng Cấp cứu mỏ trong tình huống khẩn cấp này một lần nữa khẳng định năng lực, tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt của đơn vị – xứng đáng là lực lượng cứu hộ nòng cốt, tinh nhuệ của Tập đoàn và quốc gia trong mọi tình huống sự cố, tai nạn nghiêm trọng.