Cổ phiếu GTN còn động lực tăng trưởng?
Cổ phiếu GTN của Công ty Cổ phần GTNFoods được đánh giá là một cơ hội đầu tư mới trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với sự hậu thuẫn của Vinamilk (HOSE: VNM).
GTN tiền thân là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhựa, nông sản và thực phẩm. Từ năm 2013, GTN bắt đầu triển khai chiến lược M&A các doanh nghiệp thực phẩm với chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín như nâng tỷ lệ sở hữu tại Ladofoods và mua cổ phần của Vinatea.
Tháng 01/2017, GTN sở hữu 65% Vilico (UPCOM: VLC), qua đó hợp nhất Mộc Châu Milk (MCM) và trong cùng nâng sở hữu tại Vilico lên 73,72%. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của GTN tại MCM là 37,98%.
Cuối năm 2019, VNM đã sở hữu 75% cổ phần của GTN và hoàn tất việc thâu tóm doanh nghiệp này. Đại hội cổ đông của GTN đã bổ nhiệm bà Mai Kiều Liên làm Chủ tịch HĐQT. Trước đó, ông Trịnh Quốc Dũng – Giám đốc điều hành Phát triển Vùng nguyên liệu của VNM đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của GTN.
Trong những năm tới, Ban lãnh đạo GTN khẳng định MCM sẽ là trọng tâm trong chiến lược phát triển của GTN với nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi về với VNM.
Hiện tại, MCM đang có đàn bò hơn 27.500 con, trong đó 3.000 con thuộc sở hữu của Công ty và 24.500 con thông qua việc liên kết với hơn 600 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa.
Bên cạnh đó, MCM sở hữu 2 nhà máy sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng với công suất 250 tấn sữa/ngày. GTN đặt mục tiêu đưa biên lợi nhuận các sản phẩm sữa của mình về bằng với mức của các sản phẩm cùng loại của VNM, chủ yếu là sữa tươi.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng sữa của GTN là 19% và sau khi chính thức trở thành công ty con của VNM, tỷ suất này đã có sự thay đổi rõ rệt khi tăng lên mức 30% trong quý 1/2020.
Tuy nhiên, những thay đổi bước đầu này chủ yếu đến từ việc hạch toán lại các khoản khuyến mại, hỗ trợ bán hàng từ giá vốn hàng bán sang chi phí bán hàng để thống nhất với cách thức hạch toán của VNM.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm tới, mảng sữa tươi của GTN có thể có được mức tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 40%, tương đương với VNM. Để đạt được mức tỷ suất lợi nhuận gộp này, GTN sẽ thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng số lượng đàn bò do công ty sở hữu và cải thiện năng suất của đàn bò. Hiện tại MCM đang sở hữu đàn bò 3.000 con và VNM đang có kế hoạch xây dựng trang trại bò sữa mới tại Mộc Châu với số lượng lên tới 4.000 con. Sản lượng sữa trên mỗi con bò tại các trang trại do Công ty tự phát triển thường tốt hơn so với của các hộ chăn nuôi, đồng nghĩa với chi phí trên mỗi lít sữa nguyên liệu sẽ giảm xuống.
Thứ hai, VNM đang triển khai hệ thống ERP cho GTN và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020. Việc số hóa hệ thống của GTN sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản trị của Công ty.
Thứ ba, tiết giảm chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhờ tận dụng hệ thống phân phối lớn mạnh của VNM với hơn 250 nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Cũng theo Yuanta Việt Nam, VNM sẽ giúp MCM tận dụng một cách tốt nhất các lợi thế sẵn có của mình như điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển đàn bò; chất lượng sữa cao trong ngành với hàm lượng protein từ 3% và mỡ sữa từ 3.4% trở lên.
Bên cạnh đó, việc tận dụng kênh phân phối rộng khắp cả nước của VNM sẽ giúp cho các sản phẩm của MCM thâm nhập các thị trường miền Trung và miền Nam và xa hơn nữa là các thị trường xuất khẩu. Trong khi trước đây, các sản phẩm của MCM chủ yếu được phân phối và tiêu thụ tại miền Bắc.
Mạng lưới tiêu thụ rộng khắp và hiệu quả của VNM cũng sẽ giúp MCM giải phóng hàng tồn kho nhanh chóng, điều mà trong quá khứ MCM gặp nhiều trở ngại khi công ty ký các hợp đồng bao tiêu sữa đối với các hộ chăn nuôi và dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tồn kho tại một số thời điểm, dẫn đến phải giảm giá bán để giải phóng.
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng việc thay đổi thị hiếu tiêu dùng hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc thực vật có thể khiến tiêu thụ sữa bò của GTN bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc thay đổi trong sở hữu tại MCM khiến GTN không còn được hợp nhất MCM vào kết quả kinh doanh.
Ông Quách Quốc Khánh, Chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam, nhận định doanh thu của GTN sẽ tăng trưởng ở mức 7-10% trong giai đoạn 2021 – 2024, bằng với mục tiêu mà VNM đặt ra. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp cũng sẽ cải thiện qua các năm và lên xấp xỉ 40%, tương đương với các sản phẩm cùng loại của VNM. Riêng đối với năm 2020, doanh thu của GTN có thể giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ do không còn hợp nhất với Vinatea. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ tăng mạnh lên mức 83,6 tỷ đồng, so với mức lỗ 66,3 tỷ đồng của năm 2019 và EPS tương ứng là 336 đồng.
“Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) kết hợp với PBR để tiến hành định giá cổ phiếu GTN với tỷ lệ DCF/PBR là 80/20, chúng tôi dự phóng giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu GTN là 20.265 VND/cp, tương ứng với P/E dự phóng 2020 là 60,58x", ông Khánh nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Bà Mai Kiều Liên trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị GTNFoods
02:44, 17/02/2020
Chuyển động ở GTNFoods
00:00, 18/11/2019
Lợi nhuận của GTNFoods "rơi" hơn 50% so với cùng kỳ năm trước
10:46, 05/09/2019
Thêm cổ đông lớn VNM, GTN có hấp dẫn?
10:19, 29/08/2019
“Thâu tóm” thành công 38% vốn, VNM nắm quyền phủ quyết tại GTN
00:00, 06/06/2019