Cổ phiếu HPG duy trì đà tăng trung hạn?
Dù thị trường thép còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đang tăng tốc nhằm tích cực chiếm lĩnh thị phần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của HPG, Công ty có những dấu hiệu tăng trưởng khá tích cực về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, doanh thu quý 1 đạt 19.232 tỷ đồng, tăng 28,5%, và lợi nhuận sau thuế đạt 2.303 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên mức 19,3% nhờ vào giá nguyên liệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả tăng trưởng trên nhờ vào sản lượng thép xây dựng mà HPG tiêu thụ được trong quý 1 đạt 732.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, và sản lượng xuất khẩu đạt 135.000 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần thép xây dựng của HPG tiếp tục mở rộng và đạt mức 32% so với 26% vào thời điểm cuối năm 2019. Sản lượng thép ống của HPG giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 145.000 tấn nhưng vẫn giữ thị phần 31% toàn quốc.
Theo HPG, dự án thép Dung Quất đã giúp việc vận chuyển thép vào thị trường miền Nam được trơn tru hơn, các lô thép chỉ mất 3 ngày để vận chuyển vào miền Nam thay vì phải mất đến 7 ngày như trước đây.
Được biết, giai đoạn 1, nhà máy thép Dung Quất đã đi vào hoạt động toàn bộ, giá thành sản xuất thép tại Dung Quất tương đương với tại Hải Dương. Sau khi lò cao 2 đi vào hoạt động, từ tháng 12/2019 sản lượng sản xuất thép thô của HPG vào khoảng 400 – 450 tấn/tháng, tương đương với khoảng 5 triệu tấn/năm, trong đó 2 lò cao giai đoạn 1 đã hoạt động toàn bộ công suất với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn 2, nhà máy thép Dung Quất đã bắt đầu chạy thử trong quý 2/2020 và sẽ bắt đầu cho sản phẩm thương mại từ tháng 9/2020. Dự kiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) trong 2020 đạt khoảng 900.000 tấn. Giá thành sản xuất HRC theo ước tính của HPG chỉ cao hơn thép xây dựng khoảng 200 – 300 nghìn VND/tấn, đưa biên lợi nhuận sản xuất HRC lên khoảng 5 – 7%.
Ngoài ra, dự án Dung Quất mở rộng đang được thực hiện, việc xin giấy tờ thủ tục cần ít nhất 2 năm, do vậy thời gian triển khai dự án dự kiến từ 2023 - 2024. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 60.000 tỷ VND với công suất 5 triệu tấn, chủ yếu tập trung vào thép HRC. Nguồn vốn để thực hiện dự án sẽ sử dụng lợi nhuận tích lũy cộng thêm vốn vay, do vậy sẽ không cần phát hành tăng vốn.
Về mảng nông nghiệp của HPG ghi nhận lợi nhuận 482 tỷ đồng, tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào giá thịt heo tăng cao. Mặc dù có lợi nhuận nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong quý 1, tuy nhiên công ty hiện chưa có kế hoạch mở rộng hoạt động này trong tương lai gần. Mặt khác, việc Chính phủ đang cố gắng giảm giá thịt heo trên thị trường có thể làm giảm lợi nhuận mảng nông nghiệp trong các quý tới.
Hiện tại mảng thép vẫn là động lực tăng trưởng chính cho HPG trong năm nay. Trong khi nền kinh tế đang khá trì trệ do ảnh hưởng dịch COVID-19, HPG vẫn đang từng bước mở rộng thị phần của mình tại miền Nam.
Sản lượng tại thị trường miền Nam của HPG ghi nhận tăng 96% trong 5 tháng đầu năm 2020 và thị phần tăng từ 13,7% trong 2019 lên 22,6% trong 5 tháng đầu năm 2020. Việc gia tăng thị phần phụ thuộc phần lớn vào thương hiệu và cách tổ chức bán hàng. HPG hỗ trợ các đại lý thông qua giá bán ổn đỉnh, nguồn hàng đầy đủ, cộng thêm chất lượng tốt nên nhanh chóng gia tăng được thị phần.
Bên cạnh đó, tại miền Trung, thị phần của HPG đã tăng mạnh từ 30% trong 2018 lên 51% trong 2019 và vẫn tiếp tục duy trì ở mức này trong 2020. Năm 2019, 2 nhà máy Dana Ý và Dana Úc của Thép Dana Ý (chiếm 8,5% thị phần thép xây dựng tại miền Trung) bị UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng hoạt động cũng là yếu tố hỗ trợ để HPG gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm 2020 của HPG có thể giảm một chút so với nửa đầu năm do:
Thứ nhất, mảng thép và biên lợi nhuận giảm do giá quặng tăng trong khi giá bán thép giảm nhẹ.
Thứ hai, đối với mảng nông nghiệp, dự kiến giá heo hơi có thể bình ổn về mức 75.000 VNĐ/kg trong quý 4/2020, do vậy lợi nhuận từ mảng nông nghiệp của HPG cũng dự kiến giảm so với đầu năm nay.
Ngoài ra, năm 2019, HPG ghi nhận tổng vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) là 36.679 tỷ đồng. Nếu con số này vẫn gia tăng mạnh trong năm 2020 thì rủi ro sẽ rất lớn đối với doanh nghiệp này.
Trên thị trường, giá cổ phiếu HPG đã tăng 18% trong 3 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mức 27.650đ/cp. Hiện P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 8,5 lần và 7 lần, được cho là vẫn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của HPG ở mức 92 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này rất tích cực. Trong đó, điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm. Trong khi đó, đồ thị giá của HPG đã thoát khỏi mô hình tam giác và tiếp tục xu hướng tăng trung hạn. Đồng thời, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn đang tập trung ở cổ phiếu này. “Nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu HPG ở các nhịp điều chỉnh", ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nợ vay chèn ép HPG
16:30, 13/05/2020
"Gánh nặng" nào cho HPG khi triển khai dự án mở rộng Dung Quất?
04:00, 19/02/2020
Trở ngại ngành thép chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến HPG?
00:19, 06/01/2020
Cổ phiếu HPG duy trì đà tăng ngắn hạn?
05:00, 01/01/2020
Vì sao khối ngoại bán mạnh cổ phiếu HPG?
05:01, 03/07/2019