Cổ phiếu VNM bất ngờ bứt phá
Phiên giao dịch cuối tháng 8 đã khép lại nhưng điểm sáng nhất trên sàn HOSE là cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) hút mạnh dòng tiền.
Trong phiên giao dịch ngày 31/8/2020, cổ phiếu VNM tăng từ vùng giá 119.000đ/cp lên mức 121.000 đồng/cổ phiếu. Đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu VNM trong hơn 6 tháng qua. Thanh khoản của cổ phiếu cũng tăng vọt từ vài trăm ngàn/cổ mỗi phiên lên tới hơn 1 triệu cổ được khớp lệnh trong những phiên giao dịch gần đây. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 24/8 đến 31/8, có hơn 6 triệu cổ VNM được khớp lệnh.
Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp nói chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên nhờ tiềm lực và sự ứng biến phù hợp về chiến lược kinh doanh, VNM vẫn tăng trưởng ổn định về tất cả các chỉ số chính trong kết quả sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính quý 2 của VNM, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần kinh doanh nội địa đạt 25.456 tỷ đồng và xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của VNM hiện 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 5.864 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán FPT, VNM là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành sữa Việt Nam với thương hiệu truyền thống, quen thuộc với người tiêu dùng. Thị trường nội địa đóng góp hơn 80% vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VNM. Trong giai đoạn 2020 – 2024, tăng trưởng tiêu thụ sữa trong nước được kỳ vọng cải thiện với mức tăng trưởng ước đạt 9,3%/năm. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành hàng sữa chua và xu hướng cao cấp hóa các sản phẩm sữa. Đặc biệt trong giai đoạn 2014 – 2016, VNM hầu như không đầu tư các dự án lớn, mà chỉ tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Từ năm 2017 tới nay, VNM liên tục mở rộng chuỗi giá trị và quy mô của doanh nghiệp qua các hoạt động đầu tư góp vốn và thâu tóm các công ty thực phẩm (Công ty CP đường Việt Nam - cung cấp nguyên liệu đầu vào; Công ty CP Chế biến Dừa Á Châu - đa dạng hóa sản phẩm đầu ra) và các công ty trong ngành sữa (GTNfoods – gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk; Công ty CP Lào – Jargo)...
Trong 2020 – 2021, VNM dự kiến tập trung phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất tại Mộc Châu Milk và không xây thêm các nhà máy sữa mới trực thuộc VNM. "Chúng tôi kỳ vọng trong giai đoạn 2020 – 2024F, VNM có khả năng duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt/lợi nhuận sau thuế ở mức trên 70%. Đây chính là điểm nhấn khi nhà đầu tư muốn đầu tư trung- dài hạn vào cổ phiếu VNM", FPT nhấn mạnh.
Tuy nhiên khi đầu tư vào VNM, FPT khuyến cáo rủi ro biến động giá sữa bột nguyên liệu vì mảng này chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất của VNM, với khoảng 60% nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của VNM chịu tác động lớn từ biến động giá sữa bột thế giới. Một rủi ro nữa mà nhà đầu tư cần lưu ý, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Sữa là mặt hàng nhạy cảm với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm sữa bột với nguyên liệu ngoại nhập. Các sự cố về an toàn thực phẩm có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành sữa.
Có thể bạn quan tâm
VNM: Động lực nào sẽ giúp giá cổ phiếu hồi phục?
06:01, 29/04/2020
Cổ phiếu VNM bị bán tháo vì dịch cúm Corona
04:00, 03/02/2020
VNM chuyển hướng chiến lược
04:00, 07/12/2019
Thêm cổ đông lớn VNM, GTN có hấp dẫn?
10:19, 29/08/2019
“Thâu tóm” thành công 38% vốn, VNM nắm quyền phủ quyết tại GTN
00:00, 06/06/2019