"Vận đen" ám, DLG có dễ thoát khó?
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) ghi nhận lỗ ròng hợp nhất hơn 295 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Không những vậy, đơn vị kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Khó đạt mục tiêu lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần đạt hơn 814 tỷ đồng, giảm hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình của DLG, doanh thu giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 làm cho doanh thu cả công ty con và công ty mẹ đều giảm mạnh.
295 tỷ đồng là khoản lỗ ròng hợp nhất của DLG trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đặc biệt, chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do dự án đang tạm dừng thi công trong đầu năm 2020 nên lãi vay phát sinh trong kỳ không được vốn hóa mà điều chỉnh sang chi phí lãi vay và các công ty con. Cùng với đó, thu nhập khác giảm vì đánh giá lại chênh lệch tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng gấp đôi do loại trừ khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính Công ty mẹ vào công ty con và khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi tại các Công ty con tăng trong 6 tháng đầu năm 2020 sau soát xét.
Năm 2020, DLG lên kế hoạch doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận 80 tỷ đồng. Như vậy với khoản lỗ ròng hợp nhất 295 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, DLG khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Mong manh khả năng tồn tại
Tính đến ngày 31/06/2020, nợ phải trả của DLG lên tới 5.184 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 1.356 tỷ đồng và 2.356 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã gần gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, hầu hết các khoản nợ của DLG đều đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả. Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân cho tập đoàn này.
Để cứu vãn tình thế, Ban Lãnh đạo DLG đang làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, khoản nợ phải thu của DLG chủ yếu tập trung trong các công ty con. Ngoài ra, DLG đã cho một số tổ chức, cá nhân vay tới hơn 2.491 tỷ đồng, tương đương 30% tổng giá trị tài sản, nhưng lại không có tài sản đảm bảo.
Cơ quan kiểm toán cho rằng, sự tồn tại trong kinh doanh của DLG rất mong manh, dẫn đến khả năng hoạt động kinh doanh của DLG sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
Khó khăn chồng chất
goài phải thu từ cho vay và lãi cho vay, khoản mục tài sản và đầu tư khác của DLG cũng đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng và khả năng thu hồi. Chẳng hạn, khoản 126,4 tỷ đồng liên quan đến hợp đồng xây dựng 5 cây cầu tại Lào từ tháng 11/2014, nhưng sau 5 năm vẫn chưa thu được tiền. Hay khoản đầu tư 264 tỷ đồng vào Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Đức Long Gia Lai (DLG góp 88% vốn) đến nay vẫn chưa thể chuyển nhượng.
Một khoản hợp tác đầu tư khác, khoảng 300 tỷ đồng của DLG vào Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai (DLG sở hữu 84% vốn) cũng khó thu hồi...
Tính đến cuối quý 2/202020, DLG đã phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên với các khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thì việc trích lập dự phòng là thách thức không nhỏ đối với Tập đoàn này.
Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Việt Nam, cho rằng trong những năm gần đây, lợi nhuận của DLG tiếp tục tụt dốc, trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn lại tăng nhanh thông qua các đợt chào bán tăng vốn và tăng vay nợ. Đây là nguyên nhân khiến các chỉ số sinh lời của DLG suy giảm đáng kể, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất đều đã xuống mức âm.
Hiện tại, thị giá DLG chỉ ở mức hơn 1.300 đồng/cp, giảm 90% kể từ khi chào sàn. Với việc tiếp tục lỗ ròng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo với DLG. Đây thực sự là thế khó của DLG.
Có thể bạn quan tâm