Rủi ro tiềm ẩn ở KBC
Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Tổng Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) liên tục thiếu hụt dòng tiền nên phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu.
Trong thời gian qua, KBC đã liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trong đó, doanh nghiệp này vừa huy động được 200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Thiếu hụt dòng tiền
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 đã soát xét của KBC, doanh thu thuần đạt hơn 727 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn, nên lãi sau thuế hợp nhất chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm tới 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng “ăn lên làm ra” thì KBC có dấu hiệu ngày càng thụt lùi.
Tính tới cuối quý 2, tổng tài sản KBC đạt 18.205 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương 416 tỷ đồng. KBC hiện có khoản phải thu ngắn hạn 5.450 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho hơn 7.655 tỷ đồng. Điều này khiến dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của KBC âm tới hơn 552 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong năm 2020, Ban Lãnh đạo KBC đặt ra 2 kịch bản kinh doanh, trong đó phương án khả quan là dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 816 tỷ đồng.
Hút vốn qua trái phiếu
- 552 tỷ đồng là số tiền lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của KBC.
Năm 2020, KBC tiếp tục có kế hoạch đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án đang xây dựng dở dang, trong đó phần lớn là các khu công nghiệp (KCN) như KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và 2 khu đô thị (KĐT) lớn là KĐT Phúc Ninh (TP. Bắc Ninh) và KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng)… Nguồn vốn đầu tư cho các dự án này vào khoảng 1.500 – 2.000 tỷ đồng, được huy động từ vốn vay hoặc trái phiếu.
KBC vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 200 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng kể từ ngày chào bán. Trước đó, KBC đã huy động 400 tỷ đồng trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của các công ty con…
Các khoản nợ vay của KBC chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu các công ty con, lãi suất 10-11%/năm, nhưng trên thực tế, mức lãi suất phải lên tới 14- 15% nếu cộng thêm các chi phí có liên quan. Đến hết 30/06/2020, tổng giá trị trái phiếu KBC chưa đáo hạn tăng nhẹ lên mức 1.444 tỷ đồng, trong đó trái phiếu phải thanh toán trong năm tới là 900 tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn khoảng 1.568 tỷ đồng chủ yếu bao gồm chi phí phát triển cơ sở hạ tầng trích trước đối với phần doanh thu đã ghi nhận tại các KCN và chi phí lãi vay phải trả liên quan đến KCN và KĐT Tràng Cát (850 tỷ đồng). Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản tăng nhẹ trong những năm qua, lên mức 57,7%.
Biến động theo từng giai đoạn
Kết quả kinh doanh của KBC chịu ảnh hưởng lớn từ biến động các yếu tố vĩ mô như GDP, lạm phát, lãi suất… và đặc biệt là triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam. Đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế khi GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 2,12%. Do đó, các dự án của KBC như KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung và KĐT Tràng Duệ có thể sẽ có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn so với kế hoạch được KBC đặt ra.
Bên cạnh đó, những thay đổi liên quan đến chính sách quản lý kinh doanh KCN có ảnh hưởng lớn lên các doanh nghiệp phát triển KCN như KBC. Rủi ro này đến từ việc khó thành lập các dự án mới; dự án bị thu hồi; dự án bị chuyển đổi mục đích sử dụng; thay đổi chính sách ưu đãi; các quy định ưu đãi chồng chéo; thay đổi chính sách thuế...
Ngoài ra, các dự án của KBC có thể không đủ điều kiện triển khai bán hàng và ghi nhận doanh thu theo kế hoạch, dẫn đến khả năng doanh thu biến động lớn trong kỳ và gây khó khăn lên dòng tiền của doanh nghiệp. Khác với một số doanh nghiệp cùng ngành BĐS công nghiệp, KBC thường ghi nhận doanh thu một lần tại thời điểm bàn giao đất, chứ không phân bổ trong thời hạn thuê đất nên kết quả kinh doanh sẽ có biến động lớn theo từng giai đoạn.
Có thể bạn quan tâm