Sau soát xét, lợi nhuận ròng của Công ty mẹ Tổng công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) giảm 73% còn 15 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán của KBC vừa công bố, lợi nhuận sau thuế còn 105 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với báo cáo tài chính tự lập. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm mạnh, chỉ còn 15 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 73%, thấp nhất 7 năm qua. Hiện tại, KBC không có giải trình cho sự thay đổi này.
Với kết quả trên, KBC chỉ mói hoàn thành 12,9% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 theo phương án khả quan và 10,5% theo phương án tích cực mà ĐHĐCĐ thông qua trước đó.
Trước đó, Báo cáo tài chính quý II cũng cho thấy doanh thu thuần giảm đến 84% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn 171 tỷ đồng, công ty lý giải là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ cũng giảm 29% xuống còn 10,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính chỉ giảm nhẹ 4,6% xuống mức hơn 49 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay giảm từ 47 tỷ đồng xuống còn 41 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 63%, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12,5%.
Do vậy, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 99,4%, chỉ còn 1,7 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Về cơ cấu doanh thu, mảng cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 552,6 tỷ đồng, tương đương 76%; doanh thu thuê kho, nhà xưởng và văn phòng chiếm 7% với 50,6 tỷ đồng. KBC không ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng như ở cùng kỳ năm trước (105,6 tỷ đồng).
Kết thúc quý II, tổng tài sản của KBC là 18.205 tỷ đồng, tăng 10,8% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 36% còn 416 tỷ đồng. Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng mạnh từ chỉ 2 tỷ đồng lên đến 1.857 tỷ đồng, trong đó 1.855 tỷ đồng là khoản mua lại công ty TNHH MTV khách sạn Hoa Sen từ quý I/2020.
Nợ phải trả tăng từ 6.051,8 tỷ đồng lên thành 7.714 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 46% lên 5.943 tỷ đồng chủ yếu do tăng khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác từ 151 tỷ đồng lên thành 2.018 tỷ đồng, cùng với vay ngắn hạn tăng 52% lên 1.227,6 tỷ đồng.
Theo công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), dù diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành Bất động sản Khu công nghiệp (BĐS KCN) vẫn cho thấy sự tích cực trong hoạt động thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI thông qua giá cho thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở cả 2 miền Nam, Bắc.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 còn thúc đẩy sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc từ các công ty đa quốc gia diễn ra nhanh hơn để tránh khỏi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều đó giúp Việt Nam với vị trí thuận lợi, liền sát Trung Quốc và nhiều chính sách ưu đãi là điểm đến được ưu tiên từ các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA và EVIPA đã chính thức có hiệu lựcc sẽ là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Đây sẽ là động lực để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như di chuyển các nhà máy đến Việt Nam để nhận được ưu đãi từ các hiệp định này, từ đó giúp gia tăng nhu cầu thuê BĐS tại các khu KCN trong giai đoạn tiếp theo.
KBC đã tạo lập vị thế là nhà phát triển KCN cho các gã khổng lồ công nghệ trong danh mục khách thuê của mình.
Bên canh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp cho cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối hạ tầng, logistics của các KCN đến các thành phố trung tâm và cảng biển ngày càng hoàn thiện hơn. Đây cũng chính là động lực giúp ngành BĐS KCN tăng trưởng.
KBC được định vị tốt để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với BĐS công nghiệp, bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp FDI đến khu vực phía Bắc do KBC đã tạo lập vị thế là nhà phát triển KCN cho các gã khổng lồ công nghệ trong danh mục khách thuê của mình.
Đặc biệt, KBC có thể được phê duyệt KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh vào cuối quý 4/2020. KCN mới ra mắt này ước tính chiếm 30% tổng diện tích đất bán trong 2020 và 70% trong năm 2021. Nhờ sự đóng góp doanh thu từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và doanh thu BĐS nhà ở, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của KBC có thể sẽ có sự tăng trưởng đột biến.
Có thể bạn quan tâm