Dòng vốn nội tiếp tục hậu thuẫn chứng khoán Việt Nam?

NGUYỄN LONG 21/10/2020 04:30

Trái ngược với động thái bán ròng liên tục của khối ngoại, dòng vốn trong nước lại đang tiếp tục được đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo đà tăng cho VN-Index.

Dòng tiền từ thị trường nội từ nhóm f0 đang tăng trưởng nóng.

Các nhà đầu tư trong nước đang rót mạnh vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau một thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã có sự giảm giá mạnh. Nhưng đến nay, TTCK toàn cầu đã quay lại đà phục hồi, như tại Việt Nam, VN-Index đã hồi phục hơn 40% từ mức đáy và trong thời gian qua, giao dịch của khối nội đã góp phần giúp thị trường phục hồi.

Hiện dòng vốn đổ vào cổ phiếu đang tăng vọt, theo đó, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong 30 ngày hiện là 393 triệu USD, vượt quá mức kỷ lục trong quý 2/2018. Độ rộng thị trường vẫn duy trì ở mức tích cực đối với nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trong VN30 (19 mã tăng so với 10 mã giảm) nhưng lại tiêu cực với nhóm VN-Index (258 mã giảm so với 103 mã tăng).

Trong đó cổ phiếu MSN (CTCP Tập đoàn Masan) tiếp tục đà tăng đáng kể và hiện đã tăng 47% kể từ đầu tháng 10/2020. Một số ngân hàng có mức tăng yếu hơn là CTG (tăng 13%), TCB (tăng 6%) và VPB (tăng 5%)...

Theo số liệu thống kê từ Fiintrade, nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tiếp mua ròng từ đầu tháng 10 đến nay, đặc biệt là phiên thanh khoản kỷ lục ngày 14/10, dòng tiền nội mua ròng mạnh. Trong khi đó, khối ngoại vẫn giữ xu hướng chủ đạo là bán ròng (được nhìn nhận là hoạt động tái cơ cấu, không phải rút tiền ra khỏi thị trường).

Một phần cơ cấu dòng vốn nội đến từ nhóm nhà đầu tư F0 lại bùng nổ lần nữa. Tuần trước, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, các nhà đầu tư mới đã mở thêm 32.000 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 9, tăng 11% so với tháng trước, với tổng số tài khoản vượt mốc 2,6 triệu (chiếm 3% dân số). Điều đó nâng tổng số tài khoản mới trong tháng 9/2020 lên 255.000 tài khoản, tăng 63% so với năm trước và cao hơn 25% so với tháng 9/2018.

Yuanta Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không có thông tin về số lượng tài khoản mới được mở đại diện cho các nhà đầu tư mới hay nhà đầu tư hiện hữu. Nhưng chúng tôi cho rằng các tài khoản mới có thể là tài khoản đang hoạt động”.

Bên cạnh việc gia nhập của dòng tiền mới, kỳ vọng dòng tiền từ đầu tư công sẽ phải giải ngân mạnh hơn vào quý IV năm nay cũng tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư trong nước tiếp tục rót mạnh vốn vào thị trường chứng khoán cuối năm nay.

VN-Index đang có xu hướng tiếp tục tăng điểm

VN-Index đang có xu hướng tiếp tục tăng điểm

Về xu hướng thị trường trong thời gian tới, Yuanta Việt Nam chỉ ra một số yếu tố tác động như kết quả kinh doanh quý 3/2020 của doanh nghiệp sẽ được công bố trong hai tuần tới có thể thúc đẩy một đợt chốt lời, nên thị trường có thể tích lũy ngắn hạn trong giai đoạn này. Với chỉ số VN-Index hiện tại, mục tiêu đến mốc 1.000 điểm trong năm nay chỉ kém 6%.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường hiện đang giao dịch ở mức 15,5x PE lũy kế, cao hơn 8% so với mức trung bình 10 năm, nhưng thấp hơn nhiều so với định giá của thị trường khu vực và toàn cầu. "Thanh khoản và các điều kiện vĩ mô sẽ thúc đẩy thị trường tăng giá trong quý 1/2021", Yuanta Việt Nam nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán: Chờ cơ hội đầu tư mới

    Chứng khoán: Chờ cơ hội đầu tư mới

    11:30, 18/10/2020

  • Chứng khoán tháng 10: Cẩn trọng áp lực chốt lời

    Chứng khoán tháng 10: Cẩn trọng áp lực chốt lời

    11:30, 11/10/2020

  • Nhận diện cơ hội đầu tư chứng khoán quý IV/2020

    Nhận diện cơ hội đầu tư chứng khoán quý IV/2020

    05:14, 10/10/2020

NGUYỄN LONG