“Cơn bĩ cực” ở KBC

HÀ PHƯƠNG 10/11/2020 11:30

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) công nghiệp vẫn “ăn lên làm ra”, thì Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc- CTCP (HoSE: KBC) lại rơi vào “cơn bĩ cực”.

Trong quý 3/2020, KBC ghi nhận lỗ gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 110 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên KBC lỗ ròng sau 7 năm kinh doanh liên tiếp có lãi.

 Cơ cấu doanh thu của KBC

Cơ cấu doanh thu của KBC

Lao đao vì dịch bệnh

Các khu công nghiệp (KCN) của KBC nằm trong top đầu về thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao từ các Tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Luxshare – ICT, Goertek, Fuyu, Jufeng…

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến KBC “lao đao”. Theo báo cáo tài chính quý 3/2020, doanh thu thuần chỉ đạt 202,3 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng BĐS sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, các chi phí trong kỳ của KBC vẫn ở mức cao như chi phí tài chính 75,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 47,2 tỷ đồng, đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ và chịu lỗ khác 8,3 tỷ đồng, KBC lỗ ròng gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng gần 110 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC đạt doanh thu thuần 929,6 tỷ đồng, giảm 62,6% và lợi nhuận ròng 30 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ 2019.

- 21 tỷ đồng là khoản lỗ ròng của KBC trong quý 3/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 110 tỷ đồng.

Thách thức hàng tồn kho

KBC có quỹ đất KCN lớn thứ hai tại khu vực miền Bắc và đã lấp đầy hết các KCN có vị trí thuận lợi như Quế Võ I&II, Tràng Duệ I&II. Công ty đang tập trung khai thác KCN Quang Châu (Bắc Giang), Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh), đồng thời tích cực triển khai các dự án KCN gối đầu như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh), Chân Mây (Huế)…

Do đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng BĐS công nghiệp của KBC giảm mạnh, nên giá trị hàng tồn kho của KBC tăng khá mạnh. Tính đến cuối quý 3/2020, giá trị hàng tồn kho của KBC lên tới hơn 7.887 tỷ đồng, trong đó KCN và khu đô thị Tràng Cát chiếm 3.510 tỷ đồng; kế tiếp là KCN Tân Phú Trung hơn 1.554 tỷ đồng; KCN Phúc Ninh hơn 1.032 tỷ đồng…

Theo giới chuyên gia, từ quý 4/2020, khi các hoạt động kinh tế được lưu thông trở lại, KBC có thể nối lại các hoạt động bán hàng của mình. Tuy nhiên, việc giải phóng hàng tồn kho vẫn đang là thách thức lớn đối với KBC trong bối cảnh COVID-19 vẫn bùng phát ở nhiều quốc gia.

Diễn biến giá cổ phiếu KBC trong thời gian qua

Diễn biến giá cổ phiếu KBC trong thời gian qua

Thiếu hệ sinh thái

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh tăng doanh thu KBC cũng không dễ dàng.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp BĐS công nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận về đầu tư BĐS công nghiệp theo hướng các KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp… Tuy nhiên, hệ sinh thái này chưa có trong mô hình kinh doanh của KBC… Đây sẽ là thách thức lớn đối với KBC trong thời gian tới.

Khác với một số doanh nghiệp cùng ngành, KBC thường ghi nhận doanh thu một lần tại thời điểm bàn giao đất, chứ không phân bổ trong thời hạn thuê đất nên kết quả kinh doanh (KQKD) của KBC sẽ có biến động lớn theo từng giai đoạn. Do tác động tiêu cực từ COVID-19, VCBS dự báo KQKD 2020 của KBC sẽ sụt giảm mạnh với tổng doanh thu ước đạt 2.204 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 559 tỷ đồng, giảm lần lượt 31,3% và 46,3% so với năm 2019. Tình hình của KBC chỉ có thể cải thiện kể từ 2021 khi KCN Phúc Ninh bắt đầu triển khai bàn giao và KCN Tràng Duệ 3 đi vào hoạt động.

Có thể bạn quan tâm

  • Rủi ro tiềm ẩn ở KBC

    Rủi ro tiềm ẩn ở KBC

    11:30, 06/10/2020

  • Lãi ròng bán niên giảm mạnh, KBC còn có gì?

    Lãi ròng bán niên giảm mạnh, KBC còn có gì?

    05:00, 05/09/2020

  • Vì sao cổ phiếu KBC kém hấp dẫn?

    Vì sao cổ phiếu KBC kém hấp dẫn?

    05:00, 22/08/2020

  • Thiếu hệ sinh thái ở KBC

    Thiếu hệ sinh thái ở KBC

    11:30, 25/03/2020

HÀ PHƯƠNG