Bất động sản sẽ thúc đẩy tăng trưởng trở lại cho BCG
Mảng năng lượng tái tạo được dự báo gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhưng bất động sản sẽ là lĩnh vực đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của BCG, đặc biệt là từ những dự án trọng điểm.
Vừa qua, công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2020, theo đó doanh thu thuần đạt 214 tỷ đồng, giảm mạnh 66% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2 tỷ đồng.
Doanh thu giảm mạnh do doanh thu từ cung cấp hàng hóa, thành phẩm và xây dựng (Tracodi) giảm mạnh so với cùng kỳ. LNST ghi nhận mức tăng trưởng 1,028% nhờ lợi nhuận tài chính đột biến từ việc chuyển nhượng dự án và khoản thu từ các hợp đồng hợp tác đầu tư.
Các dự án năng lượng tái tạo mà BCG nắm cổ phần chi phối như Phù Mỹ, VNECO Vĩnh Long chỉ mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 và chưa đóng góp doanh thu trong năm 2020. Bên cạnh đó, công ty cũng chưa thể ghi nhận doanh thu từ dự án Radisson Blu Hội An (Malibu Hội An) do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lũy kế cả năm 2020, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,902 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 215 tỷ đồng, tăng 88%.
Ông Quách Đức Khánh, chuyên viên phân tích công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tiến độ triển khai các dự án điện mặt trời của BCG được đánh giá cao, khi kịp thời đưa vào vận hành dự án VNECO – Vĩnh Long và một phần dự án Phù Mỹ trước 31/12/2020, trong đó dự án VNECO – Vĩnh Long có thời gian thi công nhanh kỷ lục. Hai dự án này sẽ đóng góp lợi nhuận đáng kể cho BCG kể từ năm 2022.
“Đặc biệt, mảng bất động sản(BĐS) sẽ có đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của BCG trong năm 2021 mà cụ thể từ các dự án King Crown Village và Radisson Blu Hội An. Chúng tôi cho rằng BCG sẽ hoàn tất việc bàn giao 17 căn biệt thự của dự án King Crown Village trong năm 2021 và một phần của dự án Radisson Blu Hội An.
Đối với mảng xây dựng, Tracodi sẽ chủ yếu thực hiện các dự án do BCG làm chủ đầu tư, do đó doanh thu từ mảng này sẽ không đáng kể trong năm 2021 do tác động từ việc hợp nhất”, ông Khánh nhận định.
Đối với các dự án Năng lượng tái tạo trong năm 2020, BCG đã đưa vào vận hành các nhà máy với tổng công suất 415 MWp, bao gồm BCG – Long An 2 (100.5 MWp), VNECO Vĩnh Long (49.3 MWp), một phần dự án Phù Mỹ (216/330 MWp) và các dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 47 MWp. Đây là mức công suất vượt trội so với nhiều nhà phát triển NLTT khác đang niêm yết như ASM, LCG, HDG... Việc đẩy nhanh đưa vào vận hành các nhà máy điện mặt trời trong năm 2020 đã đưa BCG vào trong top những nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam.
Phía BCG cho biết, công ty sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho mảng này trong năm 2021, bao gồm cả các dự án điện gió. Đồng thời đặt mục tiêu tham vọng đó là sẽ đưa vào vận hành 200 MWp điện áp mái cùng với 225 MW điện gió trong năm 2021, phần còn lại của dự án Phù Mỹ cũng sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành trong quý 2 năm nay.
Tuy nhiên, BCG vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 khiến thị trường BĐS du lịch tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các dự án BĐS của BCG chủ yếu là BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và BĐS cao cấp, vốn nhạy cảm đối với chu kỳ của nền kinh tế. Hiện tại, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang chịu tác động tiêu cực, kết hợp với vấn đề về pháp lý chưa hoàn thiện (cho condotel) cũng là yếu tố khiến cho loại hình BĐS này giảm sức hút đối với nhà đầu tư.
Mặc dù các chính sách khuyến khích đối với các dự án năng lượng tái tạo hiện đang khá hấp dẫn, song, khoảng thời gian để hưởng ưu đãi lại quá ngắn ngủi và tạo ra rủi ro đối với các dự án không thể hoàn thành kịp tiến độ.
Mặt khác, BĐS và năng lượng tái tạo đều đỏi hỏi vốn đầu tư lớn, riêng đối với các dự án điện mặt trời, chủ đầu tư phải giải ngân lượng vốn lớn trong thời gian ngắn, mà thời gian thu hồi vốn lại dài, lên tới 7-8 năm. Điều này vô hình chung tạo áp lực huy động vốn lên doanh nghiệp.
Cùng với đó, sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời mặt đất và áp mái năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới tăng trưởng tiêu thụ điện, khiến cho rủi ro cắt giảm công suất điện mặt trời trong năm 2021 là rất hiện hữu.
Ngoài ra, thời hạn để nhận mức giá mua điện ưu đãi theo Quyết định 39/2018 cho các dự án điện gió là ngày 31/10/2020, khoảng thời gian còn lại là quá ngắn để BCG có thể triển khai dự án và kịp vận hành thương mại trước hạn. Hiện tại, Bộ Công thương đang đề xuất tiếp tục áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió hoàn thành sau 31/10/2021 và mức giá FIT mới sẽ được điều chỉnh giảm.
Có thể bạn quan tâm