REE tăng khả năng M&A trong năm 2021
Năm 2020, giá cổ phiếu REE đã tăng gần như gấp đôi. Tuy nhiên Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn cho rằng định giá này còn thấp hơn một số doanh nghiệp khác.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 diễn ra mới đây, HĐQT Công ty CP Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) đã đề xuất không chia cổ tức năm 2020 để đảm bảo nguồn vốn và tăng cơ hội M&A.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT lý giải, việc đề xuất không chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông nhằm đầu tư toàn bộ lợi nhuận để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trong lĩnh vực điện, nước và bất động sản trong năm 2021.
“Năm nay HĐQT nhìn thấy các cơ hội lớn để đi M&A các đơn vị khác, nguồn lợi nhuận chưa chia vẫn ở lại công ty và REE sẽ quyết tâm phát triển nguồn vốn này”, bà Mai Thanh nói.
Chủ tịch REE mong nhận được sự thông cảm từ các cổ đông với kế hoạch này, bà khẳng định không chỉ năm nay không chia cổ tức mà cả năm sau công ty cũng sẽ giữ lại lợi nhuận để đầu tư.
“Thời điểm 1-2 năm tới là rất thích hợp và có lợi mua các dự án điện nước và bất động sản. Việc mua lại dự án đòi hỏi phải có tiền chứ ngân hàng không mặn mà cho vay mua cổ phiếu. Chúng ta phải giữ lại tiền mặt, năm tới có thể không chia cổ tức hoặc một tỷ lệ nhỏ”, bà Thanh nói thêm.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, REE liên tục trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu cho các cổ đông và trong 3 năm gần đây, REE duy trì mức trả cổ tức bằng tiền từ 16 – 18%. Kế hoạch không trả cổ tức năm nay của lãnh đạo REE không được các cổ đông Nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên, phương án này vẫn được ĐHĐCĐ thông qua.
Liên quan đến việc thoái vốn tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP), bà Thanh cho rằng, đây là khoản đầu tư 7 - 8 năm và chỉ được nhận cổ tức 1 lần tỷ lệ 5%. Trước đây đánh giá nhà máy có điều kiện thuận lợi nằm gần mỏ than nhưng hiện tại chúng tôi đánh giá việc quản trị có vấn đề, cùng với chính sách của REE là không đầu tư vào điện than nên đã thoái toàn bộ vốn.
Theo Chủ tịch REE, hiện nhà máy này đã vượt qua khó khăn và bắt đầu có lãi, nhưng suất tiêu hao than và vấn đề quản trị vẫn còn tồn tại. Thời điểm REE thoái vốn là lúc nhà máy sắp chia cổ tức nhưng tỷ lệ sở hữu của REE khá nhỏ và công ty định hướng sang lĩnh vực năng lượng sạch. Quá trình thoái vốn lâu bởi thanh khoản QTP không cao, thu hồi được vốn đầu tư.
Trước những băn khoăn của cổ đông về việc công ty có dự định IPO mảng năng lượng hay không? Người đứng đầu REE cho rằng, công ty đang trong quá trình tích lũy để REE Energy có quy mô tương đối mạnh.
“Tôi vẫn nghĩ trong vài năm tới nhiệm vụ đầu tiên là làm cho mảng này mạnh lên, sở hữu và vận hành nhiều nhà máy điện. Vấn đề IPO hẹn sẽ trao đổi chi tiết vào các năm tiếp theo”, bà Mai Thanh chia sẻ.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT REE đã thông qua kế hoạch kinh doanh của năm 2021. Cụ thể, doanh thu đạt 6.934 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.769 tỷ đồng, tăng 8,7% so với lợi nhuận đạt được của năm 2020.
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên 4 mảng kinh doanh chính. Trong đó, lĩnh vực cơ điện (REE M&E) chiếm trên 62% doanh thu, với 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 275,2 tỷ đồng. Các lĩnh vực còn lại là REE Energy, lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, với 1.610 tỷ đồng doanh thu, LNST là 646 tỷ đồng; REE Water, lĩnh vực sản xuất và phân phối nước sạch, với LNST là 265,6 tỷ đồng; REE Land, lĩnh vực BĐS, với 1.015 tỷ đồng doanh thu và 627 tỷ đồng LNST.
Bà Mai Thành cho biết, kế hoạch này được xây dựng từ các đơn vị thành viên và chưa thể hiện đầy đủ "tinh thần chiến đấu". Chẳng hạn mảng điện nước vẫn còn lo ngại về vấn đề thương lượng giá và chạy suôn sẻ của nhà máy Thượng Kon Tum nên xây dựng sản lượng khá thận trọng.
Theo nhận định của người đứng đầu REE, khả năng kết quả kinh doanh thực tế sẽ tốt hơn nhiều so với kế hoạch. Mảng nước cũng có giá và sản lượng tăng theo định kỳ và năm nay dự kiến sẽ tìm kiếm thêm 1 dự án mới.
Trong năm 2020, ngoại trừ mảng REE M&E giảm 8% lợi nhuận, còn lại các mảng kinh doanh khác đều có sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn LNST. Riêng mảng REE Water, lợi nhuận tăng trưởng mạnh lên 58,8%, so với năm trước và vượt 37% kế hoạch.
Tình hình tài chính của REE cũng duy trì ở mức tăng trưởng mạnh, với vốn chủ sở hữu tăng 10,1% từ 10.397 tỷ đồng lên 11.452 tỷ đồng. Nợ ròng hợp nhất tính đến ngày 31/12/2020 là 3.939 tỷ đồng, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 34,4%, tăng so với mức 21,5% tại cuối năm 2019, do các khoản đầu tư trong nhóm, đầu tư vào thủy điện.
Đánh giá về cổ phiếu REE, bà Mai Thanh cho rằng, trong năm qua giá cổ phiếu REE đã tăng gần như gấp đôi. Bà cho rằng mức giá hiện nay đã phản ánh tương đối đúng về nội tại của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, Chủ tịch REE cũng cho rằng định giá vẫn còn thấp hơn một số doanh nghiệp khác.
Trên thị trường, cổ phiếu REE đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3 đạt 53.200đ/cổ phiếu, giảm 2,03% so với phiên giao dịch trước đó, thanh khoản của cổ phiếu cũng vượt mức trung bình trong vòng hơn một tháng qua. Giới chuyên gia nhận định, xu hướng tăng giá trong trung hạn của cổ phiếu này vẫn đang khá vững chắc.
Có thể bạn quan tâm