Thép Hòa Phát tỏa nhiệt
Ngành thép được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2021 khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và xu hướng gia tăng các công ty FDI vào các KCN...
Theo phân tích từ công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, doanh thu của công ty Cổ phần thép Hoà Phát (HoSE:HPG) đã tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm vừa qua, do nhu cầu thép cho các khu công nghiệp tăng lên, cùng với Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và giá thép tăng mạnh. Thị phần HPG tăng lên 32% từ mức 26% của 2019. Biên lợi nhuận gộp quý 4/2020 cũng tăng mạnh lên mức 24% so với 16% của cùng kỳ, vượt trội các đối thủ cùng ngành cho thấy rõ lợi thế cạnh tranh của HPG trong ngành thép.
Tuy nhiên vừa qua, HPG công bố sản lượng tiêu thụ kém trong tháng 2/2021. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ yếu tại tất cả các sản phẩm từ thép cuộn cán nóng (HRC) đến thép dài, chủ yếu là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết và sự bùng phát của COVID-19 trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Công ty chứng khoán HSC nhận định, giá HRC của Việt Nam đã tăng mạnh lên mức kỷ lục, ở mức 720-740 USD/tấn, nhờ nhu cầu cao trong nước, HRC sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận quý1/2021 và tỷ suất lợi nhuận sẽ vẫn ở mức cao.
Thép dài giảm mạnh do nhu cầu yếu trước kỳ nghỉ Tết trong tháng 2/2021, HPG chỉ bán được 264.000 tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và phôi thép trong tháng 2/2021 giảm mạnh lần lượt 8% và 31,8% so với cùng kỳ xuống lần lượt 189.000 tấn và 75.000 tấn. Điều này phản ánh nhu cầu thấp từ các dự án xây dựng trước Tết.
Ngoài ra, giai đoạn trước Tết, các đại lý lo ngại về khả năng điều chỉnh giá thép nên đã trì hoãn việc mua hàng. Đây là 2 lý do kéo nhu cầu thép dài giảm xuống. Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng tiêu thụ thép dài giữ nguyên ở mức 590.380 tấn (giảm 1,0% so với cùng kỳ), bao gồm 375.380 tấn thép xây dựng (giảm 1,6% so với cùng kỳ) và sản lượng phôi thép là 215.000 tấn.
Trong tháng 3/2021, HPG đã 2 lần tăng giá bán các sản phẩm thép xây dựng, bao gồm cả thép cây và thép cuộn, tổng cộng 400đ/kg, tương đương mức tăng 2,8% trong bối cảnh giá thép thành phẩm liên tục tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng của HPG được cho là vẫn thấp hơn các đối thủ cạnh tranh từ 100- 200đ/kg. Chiến lược của HPG là tiếp tục đưa ra mức giá cạnh tranh để giành thêm thị phần, đặc biệt là tại thị trường miền Nam.
Đối với thép dẹt, giá thép cuộn cán nóng của Việt Nam - nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất các sản phẩm tôn và ống thép hiện đang giao dịch ở mức cao kỷ lục là 720-740 USD/tấn, tăng 52,7% so với cùng kỳ và tăng 4,4% so với đầu năm. Giá thép cuộn cán nóng cao, khi kết hợp với sản lượng tiêu thụ mạnh trong quý1/2021, khiến đóng góp của sản phẩm thép cuộn cán nóng vào lợi nhuận của HPG tăng đáng kể. Cùng với đó, giá thép ống cũng tăng 200đ/kg trong tháng 3/2021. Nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi từ tháng 3/2021.
Có thể thấy, nhu cầu đối với các sản phẩm thép sau Tết phục hồi mạnh mẽ do các dự án xây dựng đã khởi động. Ngoài ra, do giá thép tăng từ đầu tháng 3 nên các đại lý đang tích lũy hàng tồn kho. Song, HPG đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất và tích trữ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu dự kiến phục hồi từ tháng này.
Đồng thời, vào cuối tháng 2/2021, HPG thông báo công ty đang có kế hoạch sản xuất container rỗng. HPG đặt mục tiêu sản xuất 500.000 TEU/năm và sẽ sử dụng 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng tự sản xuất làm nguyên liệu đầu vào. Dự kiến HPG sẽ cho ra mắt container mới được sản xuất lần đầu vào quý 2/2022.
“Ngoài ra, việc HPG đã mua 2 tàu lớn tải trọng 900.000 tấn để phục vụ nhu cầu vận tải nội bộ liên quan đến quặng sắt và thancó thể là bước khởi đầu cho quá trình phát triển đội tàu của HPG và sẽ tối ưu hóa chi phí vận chuyển cho Tập đoàn.
Cùng với kế hoạch mua 4 triệu tấn quặng sắt và 3,5 triệu tấn than từ Úc trong năm naysẽ làm tăng khả năng tiếp cận quặng sắt hoặc than, từ đó, giúp HPG kiểm soát chi phí đầu vào và cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong tương lai”, HSC nhận định.
Bên cạnh đó, Tổ hợp Dung Quất giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào đầu năm sau, HPG đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hiện đặt mục tiêu khởi công dự án này từ đầu năm sau, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Phía công ty cho biết, nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, dự án này sẽ tăng thêm 5 triệu tấn sản lượng mỗi năm và sẽ tập trung vào sản xuất thép cuộn cán nóng.
Chi phí đầu tư cơ bản cho tổ hợp Dung Quất giai đoạn 2 ước tính là 50 nghìn tỷ đồng, trong đó 30 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự có, 20 nghìn tỷ đồng sẽ vay vốn ngân hàng và được chia thành 2 giai đoạn. Thời gian xây dựng giai đoạn đầu ước tính là 36 tháng và dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2025.
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc nghiên cứu, phân tích công ty chứng khoán Yuanta cho biết, ngành thép được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2021 khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và xu hướng gia tăng các công ty FDI vào các Khu công nghiệp. Nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 đi vào vận hành trong 2021 sẽ là động lực mới cho HPG.
“Chúng tôi đánh giá nhà máy giai đoạn 2 sẽ hưởng lợi lớn khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phía Nam trong 2021 và HPG hiện nắm giữ thị phần thép HRC lớn nhất khu vực phía Nam. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, giá thép đầu ra vẫn tăng mạnh so với giá nguyên liệu đầu vào. Điều này có thể khiến HPG sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý 1/2021”, ông Minh đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì đang chờ các “đại gia” ngành thép trong năm 2021?
11:00, 24/12/2020
Triển vọng ngành thép năm 2021: Tiềm năng phục hồi từ nhu cầu nội địa
04:30, 02/02/2021
Vì sao dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngành thép?
04:30, 12/11/2020
Ông trùm ngành thép Việt Trần Đình Long quay lại danh sách tỷ phú thế giới
03:00, 24/10/2020
Ngành thép "bắt sóng" đầu tư công
04:00, 28/09/2020