Nửa cuối năm nhiều dự án lớn tăng tiến độ sau giãn cách và chi tiêu tài khóa cho cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh giải ngân, sẽ hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ của ngành thép xây dựng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép xây dựng trong 8 tháng qua đạt hơn 6,607 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng sản phẩm thép xây dựng đạt hơn 6.66 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu là 906.962 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Hiện tại, tồn kho của các doanh nghiệp thép là hơn 604.000 tấn. Đây là mức tồn kho trung bình để gối đầu bán hàng các tháng sau.
Doanh thu bán hàng nửa đầu năm nay của đa số các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như Tổng công ty Thép Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 13%, đạt 15.368 tỷ đồng; Công ty CP Thép Nam Kim giảm 19,3%, đạt 4.765 tỷ đồng; Công ty CP Thép Pomina đạt 5.040 tỷ đồng, giảm 18,4%; Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC giảm 17,7%, còn 7.125 tỷ đồng…
Chỉ có doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tăng trưởng gần 30%, đạt 39.654 tỷ đồng và Công ty CP Thép Đà Nẵng tăng trưởng 22%, đạt 605,3 tỷ đồng. Tăng trưởng của Hòa Phát đến từ việc tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường phía Nam sau khi Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA dự báo, trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong nước sẽ bớt khó khăn hơn và thị trường thép xây dựng từ tháng 9 sẽ tốt hơn.
Hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11.000-11.050 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Theo VSA, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng. Do đó, giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng cao.
Theo quan sát và ghi nhận bởi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), số liệu theo tháng đã bắt đầu có sự cải thiện rõ ràng hơn. VDSC cho rằng nhu cầu thép cho sản xuất công nghiệp vẫn tương đối mạnh mẽ, ngược lại nhu cầu thép cho xây dựng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng dự án mới trong thị trường nhà ở và bất động sản thương mại vẫn còn thấp do triển vọng trung hạn kém khả quan, khi mà lệnh cấm bay quốc tế vẫn chưa dược gỡ bỏ hoàn toàn, ảnh hưởng lên hoạt động du lịch và thương mại quốc tế.
Riêng tháng 8/2020 thị trường có tín hiệu khả quan, khi sản lượng tăng đáng kể so với năm ngoái. Ngoại trừ thép cuộn cán nguội, tất cả các mảng phụ khác ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là tín hiệu cho sự phục hồi của cả thị trường nội địa và quốc tế.
Trong đó, thép xây dựng tương đối chật vật trong 7 tháng đầu năm, với sản lượng tiêu thụ tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng âm so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng ở Việt Nam giảm. Tuy nhiên, doanh số tháng 8 đã tăng 15% và tăng trưởng theo tháng tương đối đều đặn kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội.
VDSC nhận định rằng trong nửa cuối năm nhiều dự án lớn tăng tiến độ sau giãn cách và chi tiêu tài khóa cho cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh giải ngân, điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ của ngành thép xây dựng. Kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì trong trung hạn, theo đó các nhà máy thép xây dựng trong nước sẽ trực tiếp hưởng lợi.
Theo số liệu từ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực với tổng mức thực hiện 8 tháng đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến độ giải ngân được cải thiện rõ nét, trong 8 tháng đạt 47% kế hoạch (8 tháng năm 2019 đạt 41,39% kế hoạch). Nhiều địa phương đã cam kết giải ngân đạt 100% trong năm nay.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc ở các dự án để hoàn thành mục tiêu giải ngân 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2020.
Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật, dự kiến khởi công 3 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (đã được chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước) vào cuối tháng này.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, theo các chuyên gia sẽ mang đến nhiều tác động tích cực đối với ngành vật liệu xây dựng. Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính, nhu cầu thép trong nửa cuối năm 2020 sẽ phục hồi và tăng 4 - 5% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
HPG đã thay đổi được “cuộc chơi” trong ngành thép
00:54, 21/09/2020
Ngành thép nửa cuối năm: Hưởng lợi từ đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc
05:00, 31/08/2020
Ngành thép tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU
11:00, 22/06/2020
[NGÀNH THÉP VƯỢT “BÃO” COVID-19] Chủ động thay đổi cơ cấu thị trường
04:09, 28/04/2020
[GỠ KHÓ CHO NGÀNH THÉP] Đa dạng nguồn nguyên liệu sẽ ít phải "trả giá" (bài 2)
11:00, 31/03/2020