DLG có nguy cơ bị thâu tóm?
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) đang làm ăn thua lỗ nặng, giá cổ phiếu DLG lau sàn, nên có thể dễ dàng trở thành đích nhắm cho “cá mập” thâu tóm.
Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp DLG bị lỗ ròng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên mức hơn 937 tỷ đồng.
Lỗ ròng nặng
Nếu như Hoàng Anh Gia Lai đã phải bán những mảng miếng hấp dẫn cho Thaco Group và nhờ dòng tiền của đại gia Nguyễn Bá Dương để xóa nợ, làm lại từ đầu; Quốc Cường Gia Lai vật vã trong khó khăn, thì DLG đã ghi dấu ấn nhiều lần tái cơ cấu. Có thể nói Chủ tịch HĐQT DLG Bùi Pháp là một trong những người kiên trì và chịu khó thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực, bao gồm gỗ, bất động sản, hạ tầng, cao su, vận tải, năng lượng tới điện tử, nông nghiệp…
930 tỷ đồng là khoản lỗ ròng hợp nhất của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai năm 2020.
Tuy nhiên, phong độ của DLG lại phụ lòng mong đợi của người dẫn đầu, thường xuyên trồi sụt và không thực sự phát triển bền vững. Với kết quả kinh doanh lỗ suốt 4 quý năm 2020, DLG đã ghi danh mình vào danh sách doanh nghiệp lỗ nghìn tỷ vì COVID-19 (lỗ ròng gần 930 tỷ đồng năm 2020). Trong khi đó, danh sách này hầu như chỉ “dành” cho nhóm vận tải lớn như hàng không hay bất động nghỉ dưỡng du lịch- những mảng thiệt hại lớn bởi dịch bệnh COVID-19.
Tình hình kinh doanh của DLG cũng khó khởi sắc với quý I/2020 không có gì triển vọng. Từ ngày 23/4, cổ phiếu DLG sẽ bị đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đặc biệt. Theo đó, DLG sẽ bị hạn chế giao dịch khớp lệnh lẫn thỏa thuận vào phiên sáng và chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Với việc HoSE vẫn chưa hoàn toàn khắc phục nghẽn lệnh, DLG có nguy cơ bị đóng băng thanh khoản.
Mồi ngon cho “cá mập”
Trong thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Nguyễn Hải đã miệt mài gom mua cổ phiếu DLG. Tính đến ngày 8/4, hai cha con ông Nguyễn Đăng Quang đã chính thức trở thành cổ đông lớn của DLG với tổng tỷ lệ sở hữu hiện là 7,89%, tương ứng hơn 23,6 triệu cổ phần DLG. Đây là hai nhà đầu tư cá nhân và không liên quan đến người nội bộ của doanh nghiệp.
Ghi nhận theo lượng giao dịch lớn đột biến quanh cổ phiếu DLG, chỉ tính từ 29/3 đến ngày 15/4, cổ phiếu DLG đã có tới 11 phiên tăng trần và hai phiên tăng, tương ứng tỷ lệ gần 100%- tỷ lệ tăng đáng ngạc nhiên đối với doanh nghiệp đang kinh doanh bết bát.
Một chuyên gia lưu ý, do kết quả kinh doanh quá kém, DLG từ đầu năm nay đã về mức “lau sàn” tại 1.600 đồng/ cổ phiếu. Ở một giá này, nhà đầu tư chỉ cần có tiềm lực và mục tiêu, dễ trở thành cổ đông lớn. Tuy DLG vẫn đang ngập trong kinh doanh thua thua lỗ, nhưng khả năng thoái vốn để giảm nợ vay và xóa lỗ là có. Cùng với đó, triển vọng của các nhà máy điện tử (3 nhà máy) cùng kế hoạch đầu tư thêm 2 nhà máy giai đoạn 2021-2023, cũng sẽ giúp DLG sáng sủa hơn nếu kinh tế toàn cầu phục hồi.
“Chưa biết nhà đầu tư này có hướng tới thâu tóm DLG trong tương lai hay không, nhưng trong tương quan với Chủ tịch HĐQT và các cổ đông lớn liên quan, khoảng cách chi phối bằng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư còn xa. Song từ trường hợp của DLG, cũng thấy rõ đang xuất hiện cả nguy cơ doanh nghiệp kinh doanh và giá cổ phiếu về mức rẻ mạt, rất dễ dàng trở thành đích M&A của những cá mập”, chuyên gia lưu ý.
Có thể bạn quan tâm