Vì sao HSC muốn hạ room ngoại?

L.MỸ 23/04/2021 05:00

Trong khi nhiều công ty niêm yết ngày càng mở room ngoại để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, CTCP Chứng khoán TP HCM (HoSE: HSC) vừa có quyết định ngược lại.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 (ĐHĐCĐ) của HSC vừa diễn ra với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có nội dung về trình bổ sung tại đại hội để xin giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) từ 100% xuống 49%. Theo nội dung điều này sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và không bị ảnh hưởng bởi quy định pháp lý hiện tại.

Ông Trịnh Hoài Giang - TGĐ CTCK HSC báo cáo tại Đại hội

Ông Trịnh Hoài Giang - TGĐ CTCK HSC báo cáo tại Đại hội

Theo Nghị định 155/2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán quy định doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 50% vốn điều lệ thì doanh nghiệp đó phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên TTCK như nhà đầu tư nước ngoài.

HSC cho biết quy định này có khả năng làm HSC trở thành CTCK nước ngoài vào thời điểm chốt danh sách thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ và phải hành xử như nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả của việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính. 

Cụ thể với đầu tư gián tiếp nước ngoài, nếu HSC có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 50%, công ty sẽ không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư, các định chế tài chính trung gian ở nước ngoài.

Với hoạt động kinh doanh, HSC có thể bị giới hạn trong hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, mã chứng khoán bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Các hoạt động có thể bị ảnh hưởng như HSC phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán đối với nghiệp vụ tự doanh, hoạt động tự doanh sẽ bị điều chỉnh theo quy định mới, bị hạn chế khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, buộc giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá giới hạn đầu tư (trường hợp không điều chỉnh sẽ bị phạt hành chính và bị rút phép hoạt động tự doanh).

Tuy nhiên, trên thị trường, hiện không chỉ các công ty chứng khoán 100% vốn ngoại hoặc gần 100% vốn ngoại đang hoạt động tích cực như Maybank Kimeng Việt Nam, Yuanta Việt Nam, KIS Việt Nam...Bên cạnh đó, ngay cả những công ty chứng khoán top đầu mà HSC thường xuyên so kè thị phần như SSI, cũng đã lựa chọn nới room ngoại 100% từ 2015. 

Tại Đại hội, cổ đông của CTCK HSC đã thông qua tờ trình bổ sung này, cùng với đó là các nội dung như việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm phù hợp, tổ chức thực hiện và quyết định các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao dịch cổ phiếu HCM từ HSX sang giao dịch tại HNX và chuyển giao dịch cổ phiếu HCM từ HNX về HSX sau khi hệ thống giao dịch mới của HSX đi vào hoạt động.

Về kinh doanh, ĐHCĐ của HSC ghi nhận báo cáo năm 2020 của Ban lãnh đạo cũng như thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 dựa trên cơ sở dự báo của thị trường chứng khoán. Trong đó, 2020 được HSC nhận định là thị trường nhiều biến động, thị phần môi giới chứng khoán cơ sở của HSC không tránh khỏi sự suy giảm so với năm 2019 nhưng giá trị giao dịch tuyệt đối qua HSC vẫn tăng 32% so với năm trước. Tính chung cả năm 2020, HSC vẫn duy trì được vị trí thứ 2 về thị phần môi giới trên HOSE (8,7%). Thị phần môi giới phái sinh của HSC có sự tăng trưởng tốt, tăng từ mức 8,7% trong năm 2019 lên mức 10,4% với khối lượng giao dịch tăng 116%.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam do dịch bệnh Covid-19, thể hiện qua chỉ số GDP tăng trưởng ở mức 2,9%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngược lại, diễn biến của thị trường chứng khoán lại bất ngờ cho các nhà đầu tư khi VN-Index tăng 14,9% với giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của thị trường tăng 59,3%.

Trên thị trường phái sinh, biến động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán cơ sở đã làm nổi bật vai trò phòng vệ của thị trường phái sinh và giúp ổn định tâm lý của nhà đầu tư. Số hợp đồng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2020 tăng 78% và đạt mức 158 nghìn hợp đồng/ngày từ mức 88 nghìn hợp đồng/ngày trong năm 2019.

Chính sách về miễn/giảm phí giao dịch, hạ lãi suất dịch vụ cho vay ký quỹ tiếp tục là tâm điểm trên thị trường, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài nhằm thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần (nguồn: HSC)

Kết quả tại cuối 2020, lợi nhuận trước thuế của HSC đạt 660 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 vào vượt 16% kế hoạch kinh doanh. Các chỉ số về thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) đều tốt hơn so với các chỉ số này của năm 2019, lần lượt đạt mức 12,1% và 1.738 đồng/cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu HCM cũng tăng 47% trong năm 2020 từ 21.350 lên 31.400 đồng/cổ phiếu.

HSC đã thực hiện tạm ứng bằng tiền mặt đợt 1 năm 2020 với tỷ lệ 5% (tương đương 500 VND/cp), thanh toán ngày 20/01/2020. Đại hội thông qua tờ trình về việc chia tỷ lệ cổ tức đợt 2 năm 2020 với tỷ lệ 7% (tương đương 700 đồng/cp) với ngày đăng ký cuối cùng là 06/05/2021 và ngày thanh toán dự kiến 20/05/2021.

Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu kỳ vọng đạt 2.668 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 1.203 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với năm 2020. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) năm 2021 tăng dự kiến đạt mức 17,1%. Trong đó, hoạt động môi giới, cho vay margin và hoạt động tự doanh vẫn là các mảng kinh doanh chính dẫn dắt lợi nhuận cho HSC trong năm 2021.

Trên thị trường, HSC cũng là một trong những công ty tham gia miếng bánh tư vấn M&A, tư vấn phát hành niêm yết trên cả thị trường vốn lẫn nợ với thị phần và mạng lưới khách hàng rộng. Công ty lên kế hoạch doanh thu phí tư vấn tài chính dự kiến đến từ hoạt động này có mục tiêu đạt 80 tỷ đồng doanh thu, tăng 2 lần so với năm 2020 dựa trên những thương vụ đang thực hiện và dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Điều đó có nghĩa rằng thị trường có thể đã và đang rục rịch những thương vụ IPO, niêm yết tương lai hoặc các thương vụ đàm phán M&A - điều mà đã được giới chuyên môn dự đoán sẽ sớm nóng trở lại ngay trong quý II/2021. Bên cạnh đó, không loại trừ đó cũng là bao gồm hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, mảng mà HSC vốn rất có lợi thế khi nhà điều hành hiện tại, có sự gắn bó nhất định với thị trường này.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường chứng khoán tiếp tục bị chi phối bởi nhóm vốn hóa lớn

    Thị trường chứng khoán tiếp tục bị chi phối bởi nhóm vốn hóa lớn

    05:30, 15/04/2021

  • Thị trường chứng khoán quý 2:

    Thị trường chứng khoán quý 2: "Nhắm mốc 1.250 điểm"

    16:31, 04/04/2021

  • Tín dụng đổ vào chứng khoán và bất động sản tăng mạnh

    Tín dụng đổ vào chứng khoán và bất động sản tăng mạnh

    13:16, 14/04/2021

  • Những yếu tố nào tác động đến thị trường chứng khoán các quý tới?

    Những yếu tố nào tác động đến thị trường chứng khoán các quý tới?

    05:30, 12/04/2021

L.MỸ