Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng đổ vào thị trường chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tín dụng đổ vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ, tăng 3%.
Tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng sáng nay (14/4), ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát, theo dõi sát sao. NHNN cũng định hướng năm 2021, tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, và hạn chế các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
Kết quả tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I đạt 2,93% đã góp phần vào việc tăng trưởng GDP tăng 4,48% . Ông Tuấn Anh cho hay tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1 đạt 0,76%, sang tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch COVID-19 bùng phát, và đến tháng 3 cầu tín dụng đã tăng trở lại lên 2,93%, cao hơn so với cùng kỳ (chỉ 1,3%). Tín dụng quý I cơ bản tăng ổn định, đúng mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42, công nghiệp 3,04%... Trong khi đó, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ, tăng 3%.
Tín dụng lĩnh vực chứng khoán tháng 11, 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1 đã giảm 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020.
Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán, tính đến hết tháng 2 vừa qua, số tài khoản chứng khoán trên thị trường đạt hơn 2,91 triệu tài khoản. Như vậy, tổng cộng có hơn 144.000 tài khoản mới được mở trong 2 tháng đầu năm nay, bằng 36% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020.
Còn thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy thanh khoản thị trường tháng 1 tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 16.800 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 739 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 34,97% về giá trị và 25,01% về khối lượng bình quân so với tháng cuối năm 2020.
Theo giới chuyên gia, chứng khoán hay Bất động sản (BĐS) đều vẫn hút tiền đầu tư nhưng chưa mạnh như cuối năm vừa qua. Thanh khoản trên thị trường trong tháng 2 và tháng 3 lại giảm hơn so với tháng đầu năm cho thấy nhiều NĐT cũng ngập ngừng. Chứng khoán hay thị trường BĐS năm nay đều sẽ có sự phân hóa mạnh, nên NĐT phải có sự chọn lọc kỹ hơn.
Theo số liệu của NHNN đến giữa tháng 3/2021, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung của nền kinh tế là 1,47%.
Hiện nay, hầu hết các Ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua BĐS với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7%-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9%-11%/năm. Mức lãi suất này được những người có nhu cầu mua nhà đất để ở hoặc đầu tư nhận định là khá lý tưởng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP.HCM nhìn nhận, tín dụng BĐS thời gian qua khởi sắc cả về giá cả và số lượng giao dịch thành công. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến hết quý I khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, trong đó tỉ trọng cho vay BĐS khoảng 13,5% và tăng khoảng 2% từ đầu năm đến nay. Tính theo con số tuyệt đối, dư nợ BĐS trên địa bàn TP.HCM xấp xỉ 350.000 tỷ đồng.
"Giai đoạn trước, tín dụng BĐS phát triển quá nóng, có khi chiếm 35%-40% tổng dư nợ, đến nay ngành ngân hàng vẫn đang vất vả xử lý nợ xấu. Còn hiện nay, có thể khẳng định tín dụng BĐS vẫn được giữ ở mức hợp lý, trong tầm kiểm soát dù nhu cầu của thị trường là rất lớn", ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.
Trước đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết, tín dụng BĐS là một trong các lĩnh vực được quản lý rất sát sao, chặt chẽ. Chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường BĐS hay thị trường khác là vấn đề trọng tâm trong điều hành hoạt động của NHNN và NNHN thường xuyên cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không bảo đảm ổn định…
"Riêng tín dụng đầu tư để giúp cho thanh khoản của các loại hàng hóa BĐS, như nhà ở cho người thu nhập thấp hay phân khúc thị trường nhà giá rẻ, phục vụ cho tiêu dùng…, vẫn được các ngân hàng quan tâm, triển khai. Trước tình hình BĐS có dấu hiệu nóng, NHNN đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tín dụng cho bất động sản tăng nhanh
21:04, 31/03/2021
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng cho bất động sản được kiểm soát chặt chẽ
19:40, 31/03/2021
[SỐT ĐẤT TẠI CÁC ĐIỂM NÓNG]: Nên kiểm soát cho vay tín dụng bất động sản
11:00, 30/03/2021
Nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất khó hạ
05:30, 30/03/2021