OIL lãi lớn nhờ giá dầu Brent
Việc giá dầu Brent tăng cao giúp Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UpCOM: OIL) lãi 191 tỷ đồng trong Quý I/2021 và hoàn thành gần 60% kế hoạch năm.
Theo đó, doanh thu thuần của OIL đạt 11.768 tỷ đồng, mặc dù giảm 35% so với cùng kỳ năm trước (17.685 tỷ đồng), nhưng sau khi trừ các chi phí, OIL báo lãi sau thuế đạt hơn 191 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 537,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 141,5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 423 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía OIL, lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 191 tỷ đồng là do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới, cụ thể giá dầu Brent bình quân quý I/2021 là 61,5 USD/tháng tăng 51% tương đương 20,9 USD/thùng so với cùng kỳ là 40,6 USD/thùng, do đó cũng làm lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng.
Tuy nhiên, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PV Oil lại âm gần 1.500 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ âm gần 66 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi việc Nhà nước sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong năm 2021 với dự kiến sẽ thay đổi quy định như giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày còn 10 ngày cũng như giảm số ngày tồn kho tối thiểu từ 30 ngày còn 20 ngày nguồn cung và thay đổi trong giá xăng dầu bán lẻ được đề cập chi tiết và minh bạch hơn.
Tính tới thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của OIL đã tăng 7% so với đầu năm lên 23.671 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ khoản tăng của tiền gửi ngân hàng 1.050 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn tăng 2.166 tỷ đồng.
Hết quý I/2021, PVOIL có hơn 899 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi, với giá trị có thể thu hồi gần 49 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay tính đến cuối quý I là 4.465 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, phần lớn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng.
Ở phía nguồn vốn, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 43% là yếu tố chính khiến nợ phải trả của công ty tăng hơn 1.424 tỷ đồng lên 12.933 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên nguồn vốn là 0,54 lần.
Trong năm 2020, doanh thu thuần của OIL đạt 50.010 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2019, công ty lỗ ròng 177 tỷ đồng. Tổng sản lượng tiêu thụ trong năm đạt 2.901 nghìn m3 , giảm 9,3% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do tác động kép của dịch COVID-19 và suy giảm giá dầu đã tác động tiêu cực đến sản lượng kinh doanh xăng dầu của OIL trong năm 2020.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, HĐQT OIL đã trình kế hoạch sản lượng kinh doanh xăng dầu 3,15 triệu m3/tấn, tăng 7%; sản lượng xuất khẩu bán dầu thô giảm 8% xuống 8,6 triệu tấn. Theo đó, doanh thu kế hoạch cả năm là 55.750 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo OIL, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cho đến khi vắc xin được đưa vào tiêm chủng ở mức phổ biến và rộng rãi trên thế giới. OIL xây dựng kế hoạch trên cơ sở dự báo giá dầu thô giao động ở mức 45 USD/thùng, nguồn cung xăng nhập khẩu ngày càng dồi dào khi có thêm nguồn xăng từ các nước Asean với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo hiệp định AKFTA.
Năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển thêm 37 cửa hàng xăng dầu mới, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trong toàn hệ thống lên 630 cửa hàng. OIL tiếp tục triển khai giải pháp thanh toán mua xăng dầu không dùng tiền mặt bằng hình thức quét mã QR cài đặt trên điện thoại thông minh tại tất cả cửa hàng xăng dầu của đơn vị trên toàn quốc (chương trình PV Oil Easy).
Về kế hoạch phát triển dài hạn, OIL có kế hoạch sẽ mở 200 trạm xăng mới để đạt 800 trạm xăng vào năm 2025, tương ứng với 40 trạm/năm. Ngoài ra, nhằm tận dung xu hướng xe điện trong tương lại, OIL đang hợp tác với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) để thực hiện thí điểm trạm sạc cho ôtô điện tại các trạm xăng của OIL ở Đà Nẵng, nhằm thăm dò nhu cầu thị trường.
Về giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, lãnh đạo OIL cho biết, công ty tiếp tục thoái vốn các công ty liên kết hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính, xúc tiến thoái hết vốn tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư – Petec (UPCoM: PEG). Hiện OIL đang sở hữu 235 triệu cổ phiếu PEG, tương đương với 94,55% vốn, giá thị trường đạt 1.692 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu OIL chốt phiên giao dịch ngày 29/4 đạt 12.400 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với mức giá 12.200 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm. Đã có thời điểm cổ phiếu OIL đạt thị giá 15.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu OIL có nhiều phiên giảm giá liên tiếp.
Giới chuyên gia nhận định, cổ phiếu OIL vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn, do sự phổ biến của vaccine và kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong nước cùng với giá dầu Brent đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ được kích hoạt trở lại hoạt đông kinh doanh của OIL.
Có thể bạn quan tâm
Lễ giao nhận lô Condensate đầu tiên theo hợp đồng BCC giữa PV GAS và PVOIL
16:33, 24/02/2021
PVOIL hỗ trợ xăng dầu xe cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung
13:09, 28/10/2020
Giải Offroad PVOIL Cup 2020 kết thúc đầy kịch tính và sôi động
16:02, 30/09/2020
PVOIL có Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới
19:10, 24/09/2020