Giá cước vận chuyển tăng, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển lãi lớn
Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cùng với việc thiếu container rỗng đã đẩy giá cước vận chuyển tăng đột biến, đồng nghĩa lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành vận tải biển cũng tăng cao.
Giá cước tăng đột biến
Theo số liệu của Cục hàng hải Việt Nam, trong quý I/2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 154 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 75,6 tỷ USD, tăng 27%; nhập khẩu đạt 78,4 tỷ USD, tăng 24%. Trung Quốc vẫn thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm tỷ trọng 24%, tiếp đến là Mỹ đạt 16%, Hàn Quốc 12%.
Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước quý I đạt 172,45 triệu tấn, tăng 7%. Riêng hàng container ghi nhận mức tăng 17% đạt hơn 5,9 triệu Teu, là mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM phản ảnh mặc dù đã có đơn hàng chờ ngày xuất nhưng không thể đặt container để chuyển hàng đi do thiếu container rỗng. Ngoài việc thiếu container rỗng phục vụ xuất khẩu, các loại phí vận tải, lưu kho, bảo quản tăng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Từ tháng 11/2020 đến cuối tháng 3/2021, việc thiếu container rỗng diễn ra thường xuyên nhưng ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ sau sự cố kênh đào Suez đến nay, tình trạng thiếu container rỗng trầm trọng hơn. Giá cước vận chuyển của các hãng tàu cũng tăng từ 3.500 USD lên đến 8.000 USD/container.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh ngay sau khi giá cước tàu đi châu Âu hạ nhiệt, thì các tuyến đi Mỹ lại đang rất căng thẳng.
Theo Vasep, từ tháng 11/2020 đến nay, giá thuê tàu vận chuyển container từ Việt Nam đi các nước đã tăng cao từ 2 đến 10 lần. Cụ thể, từ Việt Nam đi Anh vào tháng 10/2020 là 1.420 USD/cont 20feet, đến tháng 11/2020 đã tăng lên 5.420 USD/cont 20feet, và lên tới 7.200 USD/cont 20feet đối với đơn hàng xuất vào tháng 12/2020. Giá thuê tàu vận chuyển container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng 10/2020 là 60 USD/cont thì đến tháng 11/2020 đã là 600 USD/cont.
Giá thuê tàu chở container từ Việt Nam đi Los Angeles (Hoa Kỳ) trước tháng 10/2020 chỉ 700-1.000 USD/cont thì đến tháng 11/2020 đã tăng lên 5.000 USD/cont. Bên cạnh đó, cuối tháng 10/2020, nhiều hãng tàu vận tải container đã đồng loạt gửi thông báo đến khách hàng yêu cầu tăng phụ phí chuyển container rỗng từ nơi thừa đến nơi thiếu đối với container từ Việt Nam đi các thị trường châu Á, với mức tăng 50 - 200 USD/cont (kể từ 1/11/2020). Ngoài ra, ngay sau đó một số hãng tàu như Yaming Shipping Vietnam cũng ra thông báo tăng phụ phí mùa cao điểm từ 150 đến 450 USD.
Cũng theo Vasep, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để đăng ký.
Doanh nghiệp ngành vận tải biển hưởng lợi
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) ghi nhận doanh thu đạt hơn 687 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 171,8 tỷ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý I/2021, lợi nhuận gộp của GMD tăng 9,1% so với cùng kỳ lên 259 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 30,1% lên 21,6 tỷ đồng; trong khi đó chi phí tài chính giảm 51% về 27,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23,4% về 65,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 414,3% lên 14,4 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, dòng tiền của GMD cũng có dấu hiệu tích cực hơn cùng kỳ. Cụ thể, trong quý I/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 146,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 124,7 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/3/2021, tổng tài sản của GMD tăng 1,9% so với đầu năm lên 10.025 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 3.374 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.516 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.749 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt hơn 975 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng tài sản.
Tương tự, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2021 đạt 359 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ khai thác tàu tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, khoản lợi nhuận khác của công ty tăng vọt lên 22 tỷ đồng do hoạt động bán tàu HA Song. Do kiểm soát được các chi phí, kết thúc quý đầu năm HAH ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng là do hoạt động vận tải đường biển có nhiều tín hiệu khởi sắc và nhu cầu tăng. Cùng với việc công ty đầu tư thêm tàu HA View vào tháng 7/2020 dẫn tới sản lượng tàu tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, từ đó dẫn đến sản lượng hoạt động khai thác và depot cũng tăng.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải đường biển tăng và giá dầu nhiên liệu giảm so với cùng kỳ cũng là yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh. Ngoài ra, việc thanh lý tàu cũng đóng góp vào đà tăng lợi nhuận của công ty.
Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản của HAH đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi có kỳ hạn là 424 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.
Nợ phải trả của HAH tính đến cuối quý I là 789 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và chiếm 36% so với nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 436 tỷ đồng. Cuối kỳ, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp 1.421 tỷ đồng gồm 319 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Năm 2021, HAH đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.661 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 158 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I, HAH thực hiện 22% kế hoạch doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Một doanh nghiệp khác trong ngành vận tải biển là Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT), đơn vị sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam cũng đã có quý đầu năm kinh doanh thuận lợi, khi doanh thu thuần đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 9% so vời cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 173,8 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó LNST công ty mẹ ghi nhận 136,4 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 78,2% so với cùng kỳ năm trước lên 39,2 tỷ đồng, chủ yếu khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh. Trong khi đó chi phí tài chính lại giảm đáng kể 41,6% xuống còn 45,7 tỷ đồng, chủ yếu là do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ chỉ ghi nhận 4,4 tỷ đồng, trong khi quý 1/2020 ghi nhận hơn 28 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của PVT tăng 2,6% so với đầu năm lên 11.379 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 5.804 tỷ đồng, chiếm hơn 1 nửa tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.095 tỷ đồng, chiếm 27,2% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 208 tỷ đồng lên 2.811 tỷ đồng và chiếm 24,7% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường sau nhiều năm cổ phiếu PVT đã có đợt lập đỉnh vào giữa tháng 1/2021 vừa qua tại mức giá 19.600 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu PVT đang giao dịch quanh mức 16.500 đồng/cổ phiếu, tăng 16,4% so với hồi đầu năm và giảm 16,8% từ đỉnh giữa tháng 1/2021.
Có thể bạn quan tâm