Lạm phát tại Mỹ có gây áp lực lên TTCK Việt Nam?

HUỲNH MINH TUẤN - Founder FIDT 17/05/2021 16:40

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tối thứ 4 tuần trước chứng kiến một phiên rớt đến gần 700 điểm, hệ quả của việc nhà đầu tư phản ứng lại thông tin lạm phát cùng kỳ tại Mỹ đã vọt lên 4,2%.

Lạm phát của Mỹ đã tăng vọt lên 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát của Mỹ đã tăng vọt lên 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cho dù "nhà cái" lớn nhất thế giới FED đã phát biểu rằng mọi thứ vẫn bình thường và không có thay đổi gì trong chính sách tiền tệ, thị trường vẫn xảy ra phản ứng khi áp lực lạm phát gây ra sự hoang mang không những cho TTCK Mỹ mà lan sang cả TTCK Việt Nam.

Đầu tiên, nhắc lại về định nghĩa, lạm phát là sự mất giá của đồng tiền, sự tăng giá cả hàng hoá dựa trên cung cầu. Lạm phát trong thời điểm hiện tại được gây ra bởi 3 nguyên nhân:

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến lượng hàng hoá cung ứng giảm xuống. Khi cung giảm mà cầu vẫn duy trì hoặc thậm chí tăng, thì giá hàng hoá sẽ tăng.

Hiện việc tiêm vaccine COVID cho khoảng 110 triệu dân (30% dân số) đã khôi phục rất nhiều hoạt động bình thường ở Mỹ, ở châu Âu cũng nới lỏng giãn cách, dẫn đến nhu cầu dồn nén trong thời gian lockdown (giãn cách) được phục hồi và tăng vọt.

Nền của lạm phát được hun đúc từ chính sách tiền tệ giá rẻ (easy money).

FED cho rằng lạm phát hiện tại chỉ là one-off (một lần), có nghĩa là sự gia tăng tạm thời và sẽ bình ổn trở lại, nên chưa có điều chỉnh gì về lãi suất hay lượng tiền bơm ra hàng tháng (120 tỷ USD). Đây là lý do TTCK Mỹ đã phục hồi khoảng 500 điểm vào phiên của ngày thứ 5 sau đó.

Thực ra sự “dửng dưng” của FED bắt nguồn từ một chiến lược của họ mang tên “Lạm phát trung bình mục tiêu” (AIT - Average Inflation Target). Vậy “Lạm phát trung bình mục tiêu” là gì?

Đầu tiên, ta thấy cục diện kinh tế Mỹ đã bị sụt giảm bởi COVID-19. Rút kinh nghiệm từ năm 2008, FED phải ra tay ngay và bơm tiền ào ạt. Tới nay, những số liệu về việc làm, chỉ số mua hàng, chỉ số quản trị nhà sản xuất,... đang tăng trở lại cho thấy chính sách của họ là đúng.

Tuy nhiên, ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ, có những thông tin và dữ liệu kinh tế cho họ biết rằng nền kinh tế Mỹ chưa thực sự phục hồi mà vẫn đang sống dựa vào cung tiền. Việc này đặt ra kịch bản chỉ cần FED rút lại tiền thì sẽ giống như “rút ống thở” và các doanh nghiệp lại quay trở lại “hấp hối”. Đó là lý do FED bắt buộc phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng đưa ra cụm khái niệm “Lạm phát trung bình mục tiêu”, có nghĩa chấp nhận một mức lạm phát cao hơn lạm phát trung bình mục tiêu tại một số thời điểm nào đó trong chu kỳ thi hành chính sách, miễn là con số lạm phát trung bình của cả chu kỳ vẫn xoay quanh mức lạm phát trung bình mục tiêu đề ra.

Ví dụ, FED bơm tiền từ đầu 2020 và lấy chu kỳ 5 năm cho sự phục hồi kinh tế, trong 5 năm này FED đặt ra lạm phát trung bình mục tiêu của Mỹ là 2%. Vào quý 1 năm 2021, lạm phát đã lên đến 4.2%, tuy nhiên qua các quý sau và các năm sau nếu lạm phát giảm dẫn đến lạm phát trung bình của 5 năm này vẫn xoay quanh 2%, thì coi như họ đã đạt được mục tiêu về lạm phát trung bình.

Chung quy lại, FED vẫn định hướng chưa có sự tăng lãi suất nào và vẫn tiếp tục bơm tiền cho đến khi có những số liệu mang tính thật sự bền vững như tiêu dùng, sản xuất, việc làm,...tăng, đến lúc đó chắc chắn FED sẽ đưa ra tín hiệu siết dần cung tiền và tăng lãi suất.

Kết luận:  Như vậy, không có gì thay đổi trong cung tiền hay chính sách tiền tệ, nên sẽ không uy hiếp gì đến thị trường.

Còn với thị trường Việt Nam, hiện chỉ số lạm phát của Việt Nam đang ở mức tốt, và trạng thái nền kinh tế của chúng ta cũng khá tương tự Mỹ, thậm chí tiêu dùng của chúng ta yếu hơn nhiều. Số liệu FIDT nghiên cứu cho thấy rằng tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam đang sụt giảm, thêm vào đó là nợ tăng, gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Bởi vậy chúng ta sẽ thấy NHNN và Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì không gian lãi suất và tiền tệ giá rẻ để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, gần đây thị trường cho thấy những dấu hiệu về sự chảy ào ạt tiền vào các lĩnh vực như Bất động sản (BĐS) hay Chứng khoán (CK). Hiện BĐS là cái họ đang lo lắng và sẽ có những chính sách điều hướng dòng tiền phù hợp. Còn với TTCK, tổng dư nợ của TTCK tính cả dòng tiền bơm từ ngân hàng là 110 nghìn tỷ, một con số quá bé so với tổng dư nợ nền kinh tế là 9, 4 triệu tỷ. Vậy nên sự định hướng và điều hướng sẽ thiên về giúp phát triển hơn thị trường này, tạo ra nền tảng cho tâm lý thị trường ổn định.

Vài tuần gần đây, có thể do những tín hiệu về lạm phát kỳ vọng mà nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu nhiều hơn (bán ròng), nhưng dòng tiền F0 hấp thụ rất tốt, tạo ra tính “trơ” của TTCK Việt Nam so với những yếu tố biến động vĩ mô toàn cầu như số liệu lạm phát tại Mỹ.

Theo đó, số liệu lạm phát tại Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam bởi cơ địa hoàn toàn khác biệt của chúng ta với sự định hướng của Chính phủ, sự điều hành và kiểm soát lạm phát cũng như dòng tiền rất mạnh từ nhà đầu tư F0.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    Lạm phát Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    05:00, 16/05/2021

  • Giá vàng tuần tới: Lực đẩy từ áp lực lạm phát

    Giá vàng tuần tới: Lực đẩy từ áp lực lạm phát

    05:30, 09/05/2021

  • KINH TẾ CUỐI TUẦN: Nguy cơ lạm phát

    KINH TẾ CUỐI TUẦN: Nguy cơ lạm phát

    04:00, 08/05/2021

HUỲNH MINH TUẤN - Founder FIDT