Giảm giá các dịch vụ chứng khoán tác động ra sao đến thị trường?
Với chính sách giảm thuế phí đối với dịch vụ chứng khoán cùng mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền vào mạnh đã và sẽ tiếp tục tạo đà cho thị trường chứng khoán phát triển...
Các dịch vụ được giảm giá, miễn và không thu
Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2021/TT-BTC ngày 14/5/2021 tiếp tục kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-về quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Theo đó, hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT-BTC sẽ tiếp tục được kéo dài từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (kéo dài thêm 6 tháng) để tiếp tục giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19,
Cụ thể, tiếp tục giảm giá (từ 10% - 50%) đối với 9 dịch vụ, trong đó: Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán; Giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh; Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.
Đồng thời Thông tư số 30 không thu - miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.
Trước đó, Thông tư số 14/2020/TT-BTC cũng đã được kéo dài hiệu lực thi hành theo Thông tư số 70/2020/TT-BTC ngày 17/7/2020 (kéo dài thêm 10 tháng từ ngày 31/8/2020 đến hết ngày 30/6/2021).
Sau ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC.
Theo ông Nguyễn Đình Việt - Trưởng nhóm nhà đầu tư F319, với chính sách giảm thuế phí đối với dịch vụ chứng khoán cùng mặt bằng lãi suất thấp, đã hút được dòng tiền mạnh và đã tạo đà cho thị trường phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong năm 2020 và 2021...
Số lượng tài khoản chứng khoán đã bằng 3,1% dân số
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 4, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 110.121 tài khoản chứng khoán.Trong số 110.121 tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4, có tới 109.998 tài khoản từ các nhà đầu tư cá nhân và 123 tài khoản từ các tổ chức.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020). Đáng chú ý, lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 là con số kỷ lục từ trước tới nay, gần gấp đôi năm trước đó. Tính tới cuối tháng 4, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,1 triệu, tương đương khoảng 3,1% dân số.
Có thể nói, sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Trong 4 tháng đầu năm 2021 khối ngoại đã bán ròng gần 14.000 tỷ đồng trên HOSE, gần bằng lượng bán ròng trong cả năm 2020. Dòng tiền từ các nhà đầu tư F0 cũng góp phần quan trọng giúp VN-Index hồi phục mạnh và hiện đang vững vàng trên đỉnh cao mới gần 1300 điểm. Thanh khoản thị trường cũng duy trì mức rất cao với giá trị giao dịch các phiên thường ở mức trên 20.000 tỷ đồng.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá, thị trường chứng khoán(TTCK) năm 2021 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, như: Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều quốc khác khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp... Cùng với việc giảm giá các dịch vụ TTCK trong nước năm 2021 đã có nhiều thay đổi tích cực về chất; yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng khả quan.
Theo CTCK VNDirect, báo cáo tài chính cho thấy tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng mạnh 80,7% so với cùng kỳ trong quý 1/2021, hồi phục đáng kể so với mức giảm 25,9% so với cùng kỳ trong quý 1/2020. Lợi nhuận quý 1/2021 thậm chí còn cao hơn 49% so với mức trước dịch COVID-19 năm 2019. Riêng lợi nhuận ròng quý 1/2021 của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) tăng với tỷ lệ thấp hơn đạt 65,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc VN30 tăng 62,0%...
Điều này cho thấy, cùng với các chính sách của cơ quan quản lý, TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ sở để được kỳ vọng hấp dẫn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, đà tăng của TTCK vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó tránh giằng co, điều chỉnh.
Có thể bạn quan tâm
"Bong bóng" tài sản đang xuất hiện trên thị trường chứng khoán?
05:00, 12/05/2021
Rất khó xảy ra "bong bóng" ở hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán
05:42, 10/05/2021
VNDirect: Thị trường chứng khoán tháng 5 rủi ro dần tăng lên
05:40, 08/05/2021
Công ty chứng khoán nâng vốn “ồ ạt”, Bộ Tài chính vào cuộc
04:30, 06/05/2021