Thị trường chứng khoán đã tới hạn?

DIỄM NGỌC 07/06/2021 16:55

Theo chuyên gia, sự tăng nóng của TTCK đến từ các nhà đầu tư F0, với đặc điểm là mang tâm lý đám đông lớn. Nếu như thị trường có đà đi xuống hoặc gặp sự cố, họ sẽ thoái vốn khỏi thị trường rất nhanh.

Đó là đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BIDV khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề sự tăng nóng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BIDV

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BIDV

- Thưa Tiến sĩ, ông có đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và giá trị thực của các doanh nghiệp hiện nay?

TS. Cấn Văn Lực: Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng nóng, với các nguyên nhân cơ bản như: Dòng tiền rẻ, khi lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng chuyển từ các kênh gửi tiết kiệm sang các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao, trong đó có TTCK hoặc bất động sản và hệ quả tất yếu là giá cả của các kênh đầu tư sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hay người dân đều gặp trở ngại trong việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nên chứng khoán sẽ phát huy vai trò, thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá cổ phiếu với tình hình tài chính của doanh nghiệp không được gắn chặt như trước đây, thậm chí có phần trở nên lỏng lẻo. Có thể thấy rất rõ, khi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản. Các số liệu đều chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên TTCK giảm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng giảm, chỉ có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là tăng cao.

Mặc dù kinh tế đang phục hồi trở lại, nhưng nhiều TTCK toàn cầu đã ở mức cao nhất trong vòng 20-30 năm, trong đó, mức tăng mạnh của TTCK Việt Nam có thể do niềm tin của nhà đầu tư tăng, nhưng sự “hưng phấn” đã có lúc trở nên thái quá. Như vậy, về vai trò hàn thử biểu nền kinh tế của TTCK đang có dấu hiệu bị lung lay, quan ngại.

Mặt khác, đà tăng chứng khoán chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mới nổi và có nhiều lợi thế nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và bán lẻ, y tế, dịch vụ tiện ích hoặc các lĩnh vực hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ như hóa chất, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng... Ngược lại, cổ phiếu của những ngành như du lịch, giải trí, hàng không, ô tô và phụ tùng, viễn thông, điện nước,... vẫn giảm khá mạnh. Điều đó thể hiện sự phân hoá ở các nhóm cổ phiếu, dẫn đến việc tăng nóng ở các nhóm ngành được hưởng lợi.

- CTCK SSI đưa ra nhận định chỉ số VN-Index có thể vượt 1.400 điểm, ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

TS. Cấn Văn Lực: Với đánh giá là VN-Index sẽ vượt 1.400 điểm, tuy nhiên ở thời điểm nào thì nó sẽ vượt? Theo quan điểm của tôi, đánh giá thị trường đã tới hạn hay chưa là điều chưa thể phán đoán nhưng đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã là 1.374 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6. Dự báo trong năm nay, thị trường có thể sẽ vượt qua ngưỡng 1.400 điểm, có 3 lý do chính đó là: Dòng tiền đâu đó vẫn dồi dào; Sự hưng phấn của nhà đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng; Và những kênh đầu tư khác về cơ bản vẫn tương đối khó khăn.

Trong điều kiện Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như phục hồi kinh tế tốt thì việc đạt mốc 1.400 điểm là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ tăng theo hướng bền vững hơn do:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 dự báo khoảng 6,5-7%, là mức tăng cao trong khu vực và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khả quan.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối cũng ổn định.

Thứ ba, áp lực rút vốn của khối ngoại không lớn như nhiều thị trường mới nổi, cụ thể, lượng vốn rút ra cả năm 2020 chỉ ở mức khoảng 1 tỷ USD, thấp nhất so với nhiều TTCK mới nổi Châu Á, Châu Mỹ la tinh và Châu Phi.

Thứ tư, nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời mở rộng room cho khối ngoại tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng.

Thứ năm, Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực với những qui định tăng tính minh bạch, theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa định chế (bao gồm cả quỹ đầu tư bất động sản)...

- Điều này tạo ra hiệu ứng gì trên thị trường và nhà đầu tư cần lưu ý điều gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh này, mặt tích cực là giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng trưởng nhanh và hấp dẫn hơn. Nhưng nguy cơ rủi ro là sức tăng nóng đến từ các nhà đầu tư F0, mà đặc điểm của những nhà đầu tư này là mang tâm lý đám đông lớn. Nếu như thị trường có đà đi xuống hoặc gặp sự cố, thì họ sẽ thoái vốn khỏi thị trường rất nhanh.

Ngoài ra, rủi ro đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cũng cần lưu ý, có một số nhà đầu tư sẽ đi vay để đầu tư, hoặc lấy chỗ này bù đắp chỗ kia. Khi thị trường ổn định thì không sao, nhưng khi thị trường xấu thì sẽ rất nguy hiểm. Dòng tiền rẻ kết hợp với tâm lý đám đông và đòn bẩy tài chính, đặc biệt đòn bẩy đầu tư cá nhân tăng cao sẽ khuếch đại mức độ và phạm vi rủi ro.

Chính vì vậy, nhà đầu tư phải thận trọng hơn khi tham gia thị trường, tránh tâm lý đám đông, tránh dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Mỗi nhà đầu tư cần cố gắng trang bị thông tin, kiến thức cho bản thân mình để có kiến thức đầu tư thực sự, chứ không đi theo số đông. Đặc biệt là phải luôn luôn đa dạng hóa các kênh đầu tư để hạn chế những thiệt hại về tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán đang có nguy cơ về một đợt điều chỉnh hiện hữu

    Chứng khoán đang có nguy cơ về một đợt điều chỉnh hiện hữu

    03:00, 06/06/2021

  • Thanh khoản đạt 1,6 tỷ USD, chứng khoán khép tuần nhiều kỷ lục

    Thanh khoản đạt 1,6 tỷ USD, chứng khoán khép tuần nhiều kỷ lục

    17:00, 04/06/2021

  • Cổ phiếu Ngân hàng - Chứng khoán: Điểm đến của dòng tiền

    Cổ phiếu Ngân hàng - Chứng khoán: Điểm đến của dòng tiền

    04:50, 04/06/2021

  • Dòng tiền ồ ạt, thị trường chứng khoán đạt thanh khoản kỷ lục

    Dòng tiền ồ ạt, thị trường chứng khoán đạt thanh khoản kỷ lục

    16:29, 03/06/2021

  • Tuần giao dịch đầu tháng 6: Dự báo tháng chứng khoán đầy sôi động?

    Tuần giao dịch đầu tháng 6: Dự báo tháng chứng khoán đầy sôi động?

    04:45, 31/05/2021

DIỄM NGỌC