Chứng khoán đang có nguy cơ về một đợt điều chỉnh hiện hữu

ĐÌNH ĐẠI 06/06/2021 03:00

Trong năm, VN-Index dự báo có thể có thời điểm vượt ngưỡng 1.400 điểm và thực tế chỉ số hiện đã gần mốc này; song thị trường chứng khoán vẫn có nguy cơ điều chỉnh bởi dư nợ vay ký quỹ quá lớn.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, các công ty chứng khoán (CTCK) niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I. Cụ thể, theo thống kê 31 trong tổng số 35 CTCK niêm yết có lợi nhuận trước thuế đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong quý I/2020.

Dù được dự báo còn cơ hội lập đỉnh cao mới, song thị trường chứng khoán đang tiềm ẩn rủi ro cao

Dù được dự báo còn cơ hội lập đỉnh cao mới, song càng tăng trưởng nóng, thị trường chứng khoán càng tiềm ẩn rủi ro cao

SSI Research cho biết, doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý I/2021 tăng mạnh 283% so với cùng kỳ lên mức 1,1 triệu tỷ đồng. Trong nửa đầu quý II, doanh số giao dịch thị trường tăng 22% so với quý trước và tăng 306% so với cùng kỳ.

Cũng theo các chuyên gia của SSI, số dư cho vay ký quỹ tăng, xét riêng 4 CTCK niêm yết lớn nhất, tổng dư nợ cho vay ký quỹ đạt 21.500 tỷ đồng cuối quý IV, tăng 74,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu trung bình tăng từ 65,2% lên 127% trong cùng giai đoạn. 

Trong quý I/2021, giá trị giao dịch hàng ngày trung bình đạt 18.881 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với mức 4.871 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ. Hơn nữa, giá trị VN-Index cuối quý I đạt 1.191 điểm, tăng 1,8 lần so với 662,5 điểm đạt được của cùng kỳ. Do vậy, quy mô của cho vay ký quỹ so với quy mô thị trường thực chất đã giảm đi.

Hiện nay, các CTCK trong khu vực đang được giao dịch với P/E và P/B 4 quý gần nhất trung bình là 25,1 lần và 2,8 lần. So với khu vực, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9 lần và 1,6 lần, thấp hơn khá nhiều. SSI Research cho rằng các cổ phiếu chứng khoán niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.

Các dự phóng về kết quả kinh doanh của các CTCK năm 2021 và 2022 được dựa trên giả định thanh khoản thị trường đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên (gần với mức trung bình của quý I) trong cả năm 2021 và tăng 15% trong năm 2022. Điều này có được là nhờ môi trường lãi suất thấp có thể tiếp tục kéo dài sang 2022 và tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Do đó, các chuyên gia của SSI Research dự báo VN-Index sẽ có thời điểm vượt 1.400 điểm trong năm 2021, và ước tính thận trọng dao động xung quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022.

Tương tự, trong Báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 5 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các chuyên gia phân tích của BSC cũng đưa ra hai kịch bản cho VN-Index.

Cụ thể, Kịch bản thứ nhất, BSC cho rằng, VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Khi dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại, đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng COVID-19 thứ 4 được đẩy lùi.

Kịch bản thứ 2, VN-Index dao động tích lũy trong khu vực 1.270 - 1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.

Hai kịch bản được đánh giá là có xác suất xảy ra tương đương nhau. Với kịch bản VN-Index đạt 1.350 điểm vào cuối tháng 6, dự báo vốn hóa tăng 1,5%. BSC cho biết, P/E cuối tháng 5 ở mức 18,1, giữ nguyên so với tháng trước, cao hơn 10,16% so với P/E bình quân 5 năm (16,43 lần) dù vậy vẫn khá thấp so với khu vực châu Á. P/E VN-Index dự báo tăng lên mức 18,4 trong tháng 6.

Còn theo ông McKeever - Giám đốc Khách hàng tổ chức tại HSC, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi thanh khoản. Các yếu tố cơ bản như tăng trưởng kinh tế và định giá đều thuận lợi. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng trưởng lợi nhuận gần 30% trong năm nay và đặt mục tiêu VN-Index đạt 1.500 điểm, đồng thời dự đoán dòng vốn ngoại sẽ dương trở lại vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc Phát triển Khách hàng tổ chức của SSI dự báo, VN-Index năm nay sẽ tăng 30% so với năm ngoái và thị trường sẽ có “khoảnh khắc chưa từng có”.

“Dòng vốn từ nhà đầu tư trong nước vượt giá trị dòng vốn ngoại rời thị trường. Môi trường vĩ mô vững chắc cùng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp, thuận lợi cho các cơ hội mua bán và sáp nhập. Các công ty môi giới tăng cường nguồn vốn bơm vào thị trường thông qua cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, nguy cơ về một đợt điều chỉnh vẫn hiện hữu bởi thị trường đang bước vào giai đoạn tin tức chững lại và dư nợ vay ký quỹ ở mức cao”, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh cho biết.

Theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỉ đồng, tăng 53,6 nghìn tỉ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện nay. Trên thực tế, một số nhà phân tích đưa ra ước tính dư nợ vay margin có thể lớn hơn mức thống kê trên, tỷ lệ thuận theo đà tăng của dòng tiền đang cuồn cuộn đổ vào thị trường cũng như cuộc chạy đua ráo riết để đáp ứng nhu cầu vay của nhà đầu tư từ các công ty chứng khoán. Đây chính là rủi ro lớn nhất đang tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh của thị trường, và là rủi ro không thua kém gì so với việc hạn chế sửa hủy lệnh hoặc "rút phích" bất ngờ của HoSE.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực chốt lời tiếp tục

    Áp lực chốt lời tiếp tục "đè" VN-Index

    05:00, 28/05/2021

  • VN-Index tiến gần mốc 1.300 điểm

    VN-Index tiến gần mốc 1.300 điểm

    16:00, 24/05/2021

  • VN-Index khó vượt 1.300 điểm

    VN-Index khó vượt 1.300 điểm

    16:40, 23/05/2021

  • VN-Index giảm điểm, rủi ro thị trường lên cao

    VN-Index giảm điểm, rủi ro thị trường lên cao

    04:45, 14/05/2021

  • VN-Index khó có thể vượt được vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm

    VN-Index khó có thể vượt được vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm

    04:30, 13/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chứng khoán đang có nguy cơ về một đợt điều chỉnh hiện hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO