[eMagazine] Những “đại gia” đầu tư Dược - Y tế: Họ là ai?

ĐÌNH ĐẠI 11/06/2021 15:00

Ngành Dược – Y tế Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn và có nhiều tiềm năng, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư.

Ngành Dược – Y tế Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn và có nhiều tiềm năng, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư.

Đứng đầu trong danh sách các tổ chức, cá nhân đầu tư lớn vào ngành Dược -Y tế của Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC hiện đang nắm giữ 7.114 tỷ đồng cổ phiếu của 3 doanh nghiệp lớn ngành Dược.

Cụ thể, SCIC hiện đang nắm giữ hơn 56,6 triệu cổ phần, tương đương với 43,31% vốn điều lệ của Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG). Với thị giá hiện nay là 96.400 đ/cổ phiếu, khối tài sản SCIC đầu tư tại DHG đang có giá trị 5.459 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCIC cũng đang nắm giữ 14,8 triệu cổ phần, tương đương với 35,67% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần TRAPHACO (HOSE: TRA). Với thị giá 71.000 đ/cổ phiếu, giá trị sở hữu của SCIC đạt gần 1.050 tỷ đồng. Đồng thời, SCIC cũng đang nắm giữ 12,1 triệu cổ phiếu DMC, tương đương với 34,71% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, tương đương với giá trị nắm giữ đạt 605 tỷ đồng.

SCIC được thành lập vào ngày 20/6/2005. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 08/2006, SCIC hiện đang quản lý danh mục đầu tư gồm 149 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin…với giá trị vốn Nhà nước gần 39.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD).

Năm 2021, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn cổ phần tại 88 doanh nghiệp theo danh sách đã được Chính phủ phê duyệt. 


Công ty CP Chế tạo thuốc Taisho, thuộc Tập đoàn Taisho Nhật Bản, hiện đang nắm giữ gần 66,7 triệu cổ phiếu, tương đương với 51,1% vốn điều lệ của Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG). Đây chính là cổ đông lớn nhất chi phối DHG, soán ngôi SCIC sau quá trình thoái vốn, và là nhà đầu tư chiến lược "máu mặt" của doanh nghiệp Dược lớn nhất thị trường. Với mức giá 96.400 đ/cổ phiếu, tài sản của Taisho tại DHG đạt 6.430 tỷ đồng.

Taisho hiện là công ty có thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc) khá lớn ở Nhật Bản, chiếm hơn 13,5% thị phần OTC tại “đất nước mặt trời mọc”. Tuy nhiên, công ty này chỉ chiếm khoảng 1% thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn).

Hiện nay, chiến lược của Taisho là đẩy mạnh bán hàng ở các nước quanh khu vực ASEAN cũng như khu vực Đông Á. Hiện tại, Taisho có 9 công ty con và 1 trung tâm phân phối thuốc nằm tại Singapore.

Tuy nhiên xu hướng doanh thu và thị phần của Taisho hiện nay đang suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng thực phẩm chứng năng (TPCN) và thuốc mọc tóc đang suy giảm dần và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hàng khác.

Đây vốn là hai dòng sản phẩm ra đời từ thập niên 90, vốn có đã có hiện tượng bão hòa. Nhưng ở thị trường nước ngoài, các dòng sản phẩm này vẫn có nhiều dư địa phát triển, do đó, Taisho rất quyết liệt trong vấn đề mở rộng tầm ảnh hưởng lên các khu vực có mức chi tiêu cho Dược phẩm còn thấp hơn trung bình thế giới như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Malaysia…

Taisho cho biết muốn xây dựng một nền tảng kinh doanh mạnh hơn để có thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Ngoài hoạt động trong nước, Taisho muốn đầu tư vào các thị trường toàn cầu, đặc biệt là Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa kế hoạch đề ra, Taisho đã tham gia mua cổ phần DHG và nắm giữ 24,5% vốn từ năm 2016. Công ty này liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu trong năm 2018 và đang tạm thời hài lòng ở tỷ lệ sở hữu hơn 51% vốn điều lệ của DHG.

Taisho có tiếp tục là nhà đầu tư - khách hàng mục tiêu của SCIC trong đợt thoái vốn kế tiếp tại DHG - Điều này hiện còn là ẩn số. 


Stada Service Holding B.V, một công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (STADA - Đức), hiện đang nắm giữ 67,2 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Pymepharco (HoSE: PME), tương đương với 89,53% vốn điều lệ của PME. Trên thị trường, cổ phiếu PME đang giao dịch quanh mức giá 81.800 đ/cổ phiếu, với mức giá này, tài sản của Satada tại PME đạt 5.493 tỷ đồng.

Việc thâu tóm PME nằm trong tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh ra thị trường quốc tế của Stada. Chỉ trong thời gian ngắn, Stada đã M&A hàng loạt các đơn vị trong khu vực. Gần nhất khoảng cuối năm 2019, Stada đã liên tiếp mua lại Walmark, nhà sản xuất các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng hàng đầu tại khu vực Trung Âu, mảng kinh doanh sản phẩm Biopharma - một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Ukraine và công ty dược phẩm sinh học Alvotech của Iceland…

Đặc biệt, mối quan hệ đối tác chiến lược với Alvotech chính là cơ hội tốt để STADA đẩy nhanh việc mở rộng danh mục đầu tư chế phẩm sinh học tương tự và củng cố vị thế của mình trên thị trường trong phân khúc này. Hiện các sản phẩm này tạo doanh thu 50 tỷ USD trên toàn cầu. STADA sẽ độc quyền thương mại hóa sản phẩm tại tất cả các thị trường chính ở châu Âu, cũng như các thị trường được lựa chọn ngoài châu Âu.

Trong khi đó, việc mua lại danh mục sản phẩm của Takeda tại thị trường Nga/CIS được coi là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của STADA (trị giá 660 triệu USD).

Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 của STADA là tập trung đầu tư dài hạn vào thị trường châu Âu và Nga/CIS. Thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được coi là thị trường có thời gian hoàn vốn ngắn nhất, ít rủi ro nhất sẽ được đầu tư mạnh mẽ. 

Mới đây, nhà đầu tư Đức này đã có kế hoạch chào mua 100% vốn của PME - một kế hoạch thâu tóm toàn phần chỉ còn là vấn đề giá cả thỏa thuận và thời gian.

SK Investment Vina III – đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group, hiện đang nắm giữ 16,02 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (HoSE: IMP). Với thị giá hiện nay là 75.500 đ/cổ phiếu, SK Group đang góp 1.210 tỷ đồng vào vốn hóa IMP.

Với tỷ lệ sở hữu này, SK Group trở thành cổ đông lớn nhất tại IMP, vượt qua cổ đông là Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) đang nắm giữ 22,9% cổ phần.

Tại Imexpharm, còn có nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 49% cổ phần. Các cổ đông lớn khác gồm có nhóm VinaCapital (7%), KWE Beteiligungen AG (14,3%).

Mới đây, hai quỹ thuộc VinaCapital là VOF Investment Limited và Vietnam Ventures Limited cũng đã công bố thông tin sẽ chuyển nhượng số cổ phần tương đương 5,18% tại IMP cho SK Group. Dự kiến, sau chuyển nhượng, SK Group sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Imexpharm từ 24,9% lên 29,2%.

Khoản đầu tư trên của SK Group khá khiêm tốn so với 2 thương vụ trước đó khi SK Investment Vina I chi 470 triệu USD mua 9,5% cổ phần của Masan Group và SK Investment Vina II chi gần 1 tỷ USD mua 6% cổ phần của Vingroup.

Cụ thể, vào tháng 9/2018 đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của SK Group vào các tập đoàn lớn của Việt Nam khi đơn vị này rót 470 triệu USD để mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ của Công ty CP Tập đoàn Masan. Thương vụ đã giúp SK Group trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ 9,5% cổ phần của tập đoàn này.

Tiếp đến, giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã phát hành 154 triệu cổ phiếu cho SK Group. Đồng thời, Vincommerce, lúc bấy giờ đang là công ty con của Vingroup, cũng chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu VIC cho SK Group.

Ước tính, tập đoàn của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A inbound lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm.

Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA - Công ty con của Tập đoàn Abbott Mỹ, hiện đang nắm giữ 17,95 triệu cổ phần, tương đương 51,69% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (HoSE: DMC). Với thị giá hiện nay là 50.200 đ/cổ phiếu, “ông trùm” sữa Abbott đang nắm giữ 901 tỷ đồng tài sản là cổ phiếu của DMC.

Abbott Laboratories Holdco SpA là công ty con của Abbott Laboratories. Abbott Laboratories đã hoạt được hơn 130 năm, là công ty đa quốc gia chuyên về chăm sóc sức khoẻ có trụ sở tại Mỹ với các sản phẩm về thiết bị y tế, dược phẩm, thức uống dinh dưỡng.

Trong năm 2016, Abbott đã lấn sang mảng dược phẩm bằng việc mở các trung tâm nghiên cứu dược phẩm tại Singapore, Brazil. Công ty có chiến lược thâm nhập vào các thị trường mới nổi bằng việc chen chân vào Việt Nam với việc mua lại hai cơ sở sản xuất dược. Năm 2016, doanh thu của Abbott tại Việt Nam là 434 triệu USD, tăng 31% so với năm 2015.

Về phía Domesco, Công ty chuyên sản xuất kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu; xuất khẩu và kinh doanh sản phẩm dược hoá chất... với mạng lưới phân phối gồm 12 chi nhánh khắp cả nước. Hiện thị trường xuất khẩu chính của Domesco là Myanmar, Lào, Hồng Kông, Philippines, Đài Loan, Nhật, Ma Cao, Campuchia, Nigeria, Peru, Venezuela.


Một cái tên mới toanh vừa mới ra nhập thị trường ngày 3/6 là Công ty CP Công nghệ sinh học Vinbiocare. Theo đó, Vinbiocare được thành lập vào ngày 3/6/2021, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 69% vốn điều lệ.

Vinbiocare có trụ sở tại Toà nhà văn phòng Techno Park, khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT của Vinbiocare là bà Mai Hương Nội - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Vinbiocare là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Trong đó, cụ thể là sản xuất vaccine, huyết thanh và các thành phần của máu, các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chuẩn đoán, sản xuất hoá dược.

Ngoài ra, giấy đăng ký kinh doanh được cấp của công ty tân binh này còn có một số ngành nghề khác như bán buôn thực phẩm, bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế…sản xuất thực phẩm chức năng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y, dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên…

Trước khi Vinbiocare được thành lập, vào cuối tháng 2/2021, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI, thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã ký tài trợ 3 dự án nghiên cứu vaccine, đặc điểm dịch tễ học và phát triển hệ thống cảnh báo quốc gia về COVID-19.

Có thể thấy từ bảng “phong thần” đầu tư Dược – Y tế kể trên, một điều vui mừng nhưng cũng có phần đáng tiếc là hầu hết các công ty lớn trong ngành Dược – Y tế Việt Nam đang có cổ đông ngoại chi phối cao. Điều đó không chỉ cho thấy tiềm năng và triển vọng của thị trường Dược – Ý tế Việt Nam, còn cho thấy các doanh nghiệp trên thị trường đã biết nắm bắt cơ hội với sự bắt tay cùng các Tập đoàn lớn của nước ngoài, tận dụng nguồn lực, công nghệ, mạng lưới quốc tế của họ để giúp doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn, năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, thị trường luôn có những biến số ngoài dự đoán. Đợt dịch COVID -19 đã và đang tác động lớn đối với thị trường Dược – Y tế, với sự phân hóa nhất thời về giá trị vốn đầu tư của các công ty dược - y tế cũng có thể sẽ diễn ra, cùng những chuyển động về chiến lược vaccine miễn dịch cộng đồng, hay tầm nhìn cho đầu tư Dược, công nghệ sinh học ở thì tương lai. Thêm vào đó sự xuất hiện của Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam đầu tư mảng Dược - Vaccine, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu ngành dược - “Năm COVID thứ nhất” nhìn lại…

    Cổ phiếu ngành dược - “Năm COVID thứ nhất” nhìn lại…

    11:15, 27/02/2021

  • Cổ phiếu ngành dược đang bị làm giá?

    Cổ phiếu ngành dược đang bị làm giá?

    04:00, 14/02/2020

  • Cổ phiếu ngành dược, y tế tăng trần giữa

    Cổ phiếu ngành dược, y tế tăng trần giữa "tâm bão" Corona

    04:00, 01/02/2020

ĐÌNH ĐẠI