Margin tăng cao, còn dư địa cho thị trường chứng khoán?
Vấn đề hiện nay của thị trường không phải là margin đã tăng quá cao, mà là chứng khoán đang ở giai đoạn không hấp dẫn và cần có nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại.
Margin liên tục tăng cao không chỉ trong giai đoạn 1-2 tháng trở lại đây mà đã xuất hiện từ giai đoạn cuối năm 2020 cho đến nay. Hết quý 1/2021, theo thống kê của FiinPro, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của 23 công ty chứng khoán chiếm 90% dư nợ margin toàn thị trường, đã chạm mức cao kỷ lục 92.000 tỉ đồng, tăng 15.400 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo báo cáo của UBCKNN, tính đến ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021. Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).
Vậy với việc margin liên tục tăng cao trong thời gian qua có là rủi ro cho thị trường hay không? Để trả lời cho câu hỏi này phóng viên Tạp chí DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.
- Thưa ông, margin tăng cao trong thời gian vừa qua có phải là một tín hiệu “bất thường” không?
Theo tôi không có gì bất thường. Bởi vì bản chất margin là của các CTCK; còn dạng margin thứ hai là nhà đầu tư vay ngân hàng đổ vào chứng khoán chứ không cho tiêu dùng, thì dạng đó chưa thể thống kê. Chúng ta giờ chỉ đánh giá margin của các CTCK cung cấp cho nhà đầu tư.
Margin thị trường cuối tháng 5 đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11 nghìn tỷ so với cuối quý 1. Con số này cao hơn mức đỉnh kỷ lục năm 2018 rất nhiều. Về mặt bản chất, tôi cho rằng con số tăng này cũng hợp lý, bởi thứ nhất, xét về mức thanh khoản của thị trường hiện trung bình thanh khoản một phiên của thị trường đã xấp xỉ 1 tỷ USD, có những phiên tăng hơn, mà lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường rất lớn. Do đó, margin tăng cao nhưng tính tỷ lệ/ thanh khoản thị trường thì lại thấp.
Thứ hai, số lượng nhà đầu tư vào thị trường liên tục tăng, thời điểm từ 2018 đến nay khối lượng vốn tăng thêm của các CTCK cũng không tăng nhiều.
Hiện tại tiềm lực margin của các công ty chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nên lượng tăng margin vừa qua của thị trường với những yếu tố trên thực sự không phải vấn đề rủi ro đáng lo ngại.
Tình trạng tăng margin không phải chỉ mới xuất hiện trong những tháng gần đây mà nó đã xảy ra từ cuối năm 2020. Việc hết hạn mức (full margin) ở các CTCK vừa và nhỏ mới rơi vào trạng thái “căng”, còn 1-2 tháng gần đây tình trạng “căng” mới xuất hiện ở các CTCK lớn. Chính vì thế, chúng ta có thể thấy việc tăng margin lên là tăng theo cùng chiều của thị trường.
- Vậy trường hợp nào sẽ là bất thường thưa ông?
Giả sử thị trường đi xuống mà margin đi lên thì đấy là trạng thái bất thường. Bởi về nguyên lý hai yếu tố margin và thị trường phải đi cùng chiều nhau. Ở chiều ngược lại, khi đó chúng ta cần xem xét lại nguyên nhân dẫn đến sự bất thường này.
Ví dụ như giai đoạn cuối tháng 3/2020, thị trường rơi vào đà giảm nhưng margin lại có xu hướng tăng, đây là điều bất thường.
- Với mức P/E của thị trường ở mức 17-18 lần kết hợp với margin tăng cao, sẽ tác động ra sao tới thị trường, thưa ông?
P/E của thị trường đâu đó xấp xỉ 18 lần, với mức này thị trường không còn ở mức hấp dẫn nữa, trong giai đoạn này nhiều cổ phiếu trong đó có 2 nhóm chính đã tăng rất “nóng” thời gian qua là dòng thép và ngân hàng. Hiện tại mức P/E của dòng ngân hàng trên giá trị sổ sách khoảng 2,5 lần, với mức trung bình này sẽ thấy nó không còn hấp dẫn so với giai đoạn trước đó.
Về cơ bản, tôi cho rằng yếu tố margin tăng cao không phải yếu tố nên lo ngại cho thị trường vì nó đã đạt tới vùng đỉnh. Vấn đề hiện nay là thị trường đang ở giai đoạn không hấp dẫn và cần có nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại.
Vậy dư địa thị trường có còn và margin liệu có tiếp tục tăng tiếp hay không? Tôi cho rằng dư địa tăng của thị trường vẫn còn. Bởi với P/E trên 18 đúng là nó không còn hấp dẫn nhưng dư địa vẫn còn nhiều. Nếu xét về tỷ suất trên đồng vốn và trên tổng tài sản hiện tại của chúng ta đang hấp dẫn hơn so với các thị trường khác, kể cả các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia…
Có nghĩa là tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong năm nay vẫn còn, chưa kể các nước phát triển như Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đang cho thấy sự hồi phục của hai thị trường này. Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hai thị trường này nên khi xảy ra dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường này, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp Việt.
Việc hai thị trường trên hồi phục sau đại dịch sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh dư địa xuất khẩu trong thời gian tới, chưa kể việc hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Do đó, dư địa của thị trường chứng khoán vẫn còn. Tôi dự báo mức tăng trưởng của EPS trung bình vào khoảng 23%, tuy nhiên, nếu tính lượng phát hành sắp tới của các CTCK và các doanh nghiệp niêm yết thì EPS trung bình của các doanh nghiệp có thể điều chỉnh còn khoảng 20-22%. Với mức tăng trưởng trung bình này, P/E để rơi vào tình trạng “bong bóng” phải ở mức 20-22 lần. P/E đạt 22 lần cũng là mức đỉnh của năm 2018, còn hiện tại P/E thị trường ở mức 17-18 lần. Vì vậy, chưa xuất hiện rủi ro nào đáng lo ngại với thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm