Trung tâm năng lực số sẽ lột xác Tập đoàn gỗ TTF
Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa có bước ngoặt mới trong nỗ lực đẩy mạnh chiến lược số hóa các nhà máy sản xuất gỗ nội thất với công nghệ quốc tế...
Theo đó, TTF đã chính thức tiếp quản Trung tâm Năng lực số Häfele tại tỉnh Bình Dương theo thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết với Häfele Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Tổng giám đốc TTF cho biết, máy móc sản xuất được tích hợp hoàn toàn từ phần mềm CAD/CAM công nghệ Đức, cho phép TTF kết nối liền mạch từ bán lẻ, thiết kế đến sản xuất với tính linh hoạt và độ chính xác cao, giao hàng nhanh và đảm bảo chất lượng ngay cả đối với các đơn hàng một sản phẩm.
Theo mô hình này, từ nền tảng Easy Home, người tiêu dùng, các nhà thiết kế, nhà thầu, khách hàng cá nhân có thể tương tác với hệ thống sản xuất của TTF bất cứ nơi đâu trên thế giới 24/7 miễn có internet. Khách hàng có thể tự đo đạc, lựa chọn các module và vật liệu hoàn thiện từ cơ sở dữ liệu của Hafele toàn cầu để thiết kế cho riêng mình một bộ tủ bếp phù hợp không gian sống và nhận được báo giá ngay khi hoàn thành thiết kế chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về nhà máy sản xuất thông minh tại Bình Dương và đơn hàng sẽ được giao sau vài ngày.
“Song song với việc nhận chuyển nhượng trung tâm năng lực số này, TTF sẽ đầu tư vào Công ty Meister Kitchen Cabinet (MKC) để phát triển dòng sản phẩm tủ bếp từ nguyên liệu và phụ kiện chuẩn châu Âu với các công nghệ thiết kế kỹ thuật và kết cấu Đức nhằm phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp tại Việt Nam”, ông Hiếu cho biết.
Theo ông Dominik Fruth - Tổng giám đốc Häfele Việt Nam, số hóa sản xuất giúp các nhà sản xuất nội thất Việt Nam giải quyết những thách thức dài hạn như chi phí lao động tăng cao và nguồn cung hạn chế về lao động có trình độ. Họ cũng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với đồ nội thất thông minh được sản xuất theo nhu cầu cá nhân cũng như thời gian giao hàng nhanh chóng.
TTF hiện vẫn đang trên đường thay đổi hoạt động sản xuất, khắc phục các hậu quả của chủ sở hữu cổ đông sáng lập cũ để dần trở lại với một diện mạo mới. Dưới bàn tay của doanh nhân Mai Hữu Tín, trong đại dịch, TTF vẫn có những kết quả kinh doanh đáng ghi nhận. Kết thúc quý I/2021, TTF đạt doanh thu hơn 312 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ, chi phí lãi vay và chi phí quản lý được cắt giảm, nhưng công ty vẫn lỗ ròng gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,7 tỷ đồng. Việc tiếp tục thua lỗ khiến TTF tăng lỗ luỹ kế tính đến thời điểm 31/3/2021 lên 3.084 tỷ đồng, tương đương 99,1% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu hiện đang âm 624 tỷ đồng.
Theo đại diện TTF, một trong những khó khăn lớn của Công ty thời gian qua là khó tiếp cận dòng vốn huy động ngân hàng, nguyên nhân do còn khoản nợ quá hạn hơn 123 tỷ tại DongABank.
Để giải quyết triệt để khoản nợ này, năm 2021, TTF lên kế hoạch chào bán gần 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ tức cố định hàng năm là 12%. Nếu thành công, TTF dự thu gần 595 tỷ đồng. Trong đó, 160 tỷ sẽ được TTF dùng để trả nợ gốc và lãi cho DongABank, chính thức xóa được nợ xấu từ đó có thể tiếp cận nguồn vốn mới đầu tư kinh doanh.
Trong quá khứ, TTF thường được xem là một công ty sản xuất và gia công có biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã tiết lộ chiến lược của mình nhằm nâng cao chuỗi giá trị bằng cách nâng cao năng lực thiết kế đồ nội thất và cải tiến các nhà máy sản xuất. Công ty đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm từ 15.000 USD/container lên khoảng 80.000 USD/container. Và có lẽ chiến lược thúc đẩy số hóa, với bước ngoặt tiếp quản Trung tâm Năng lực số Häfele tại tỉnh Bình Dương sẽ giúp TTF thay đổi điều này, thực thi mục tiêu chiến lược phù hợp với kinh tế số và xu thế toàn cầu.
Để thâm nhập vào thị trường bán lẻ, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT TTF đã trình cổ đông kế hoạch sẽ đầu tư vào Công ty Natuzzi Singapore Pte.ltd có trụ sở tại Singapore. Giá trị đầu tư do HĐQT quyết định nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ Natuzzi. Đây là một công ty phân phối đồ nội thất cao cấp của Ý, chịu trách nhiệm phân phối cho toàn bộ thị trường châu Á, trừ Trung Quốc. Mục tiêu của TTF khi đầu tư vào Natuzzi Singapore là nhằm tận dụng mạng lưới phân phối của Natuzzi tại thị trường châu Á để thúc đẩy các đơn đặt hàng.
Được ban điều hành, cổ đông mới tiếp quản từ năm 2017, đặc biệt là Chủ tịch Mai Hữu Tín, người được mệnh danh là “ông trùm giải cứu” vạch chiến lược, kết quả kinh doanh của TTF qua các năm đều đã có dấu hiệu cải thiện hơn. Cụ thể, TTF lỗ ròng 715 tỷ đồng trong năm 2018 và 897 tỷ đồng vào năm 2019, nhưng đến năm 2020, TTF đã ghi nhận lãi ròng 35 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2020 của TTF được cải thiện hơn là nhờ vào các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 79 tỷ đồng, từ khoản lỗ 773 tỷ đồng năm 2019 và 864 tỷ đồng năm 2018. Lợi nhuận ròng của TTF đạt 35 tỷ đồng so với mức lỗ 897 tỷ đồng của năm trước.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong năm 2020, TTF đã ghi nhận thu nhập khác từ các khoản phạt, bồi thường là 58,7 tỷ đồng, đây là khoản thu nhập có liên quan đến Chủ tịch cũ Võ Trường Thành đền bù, khắc phục hậu quả.
Trên thị trường, cổ phiếu TTF đang giao dịch với mức giá 7.210 đ/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt vài triệu đơn vị/phiên. Hiện cổ phiếu TTF vẫn giữ nguyên diện kiểm soát từ 6/5/2019 do lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2020 là -2.965 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm