Ông "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín và kỳ vọng ở Gỗ Trường Thành

KHÁNH HÀ 09/03/2021 03:00

Doanh nhân Mai Hữu Tín có lẽ không còn là cái tên xa lạ trong giới tài chính, sau những thương vụ giải cứu "tưởng khó thành mà thành khó tưởng".

Nổi tiếng với vai trò "giải cứu" những doanh nghiệp lớn, mà mới đây nhất là Gỗ Trường Thành, doanh nhân Mai Hữu Tín cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, phù hợp trước các diễn biến mới của thương mại quốc tế có ảnh hưởng tới Việt Nam.

Ông Tín bày tỏ kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, có giải pháp phù hợp với những diễn biến mới trong chính sách thương mại của các đối tác lớn, để xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam.

 ông Mai Hữu Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp

Ông Mai Hữu Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp.

Nhắc lại câu chuyện "giải cứu" Gỗ Trường Thành vừa qua, ông Mai Hữu Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp và được cụ thể hóa rước hết xin bằng kế hoạch 10 năm được xác định là thập kỷ nhảy vọt đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.

Điểm lại, cú sốc hàng tồn và khoản phải thu tại Gỗ Trường Thành (TTF) vào năm 2016, cùng những hệ luỵ đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư tham gia giải cứu, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc.

Đầu tiên, quyết định chi 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn TTF vào tháng 5, đến tháng 11/2016 Tân Liên Phát (công ty con VinGroup) đã lần lượt bán ra cổ phiếu nắm giữ. Cùng tham gia công cuộc cứu thương hiệu gỗ vang bóng một thời vào cuối năm 2017, SAM Holdings đến tháng 4/2018 cũng vội vàng rút chân…

Chỉ còn một người ở lại, Xây dựng U&I của ông Tín, sau này cùng với Sứ Thiên Thanh. Tại ĐHĐCĐ năm 2019, dù tình hình kinh doanh cũng như giao dịch TTF trên thị trường còn kém sắc, ông Tín tự tin khẳng định: "Chúng tôi cũng mất 2 năm để tìm ra con số lỗ khủng tại Công ty. Đến nay chúng tôi đã có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con lỗ đã giấu rất nhiều năm".

Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Như vậy, sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm 2016 cơ bản dứt điểm.

Lũy kế năm 2020, TTF đạt doanh thu thuần hơn 1.210 tỷ đồng và lãi ròng hơn 21 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện lần lượt 50% và 30% chỉ tiêu kế hoạch đề ra dù cải thiện mạnh so với chỉ số năm ngoái.

Về công tác đầu tư phát triển, TTF năm qua cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới mang tên CTCP Central Wood với công suất 9.000 m3 mỗi tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định: Đây là địa điểm mà theo ông Tín, có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho TTF hiện nay và là nơi có cảng lớn thứ 3 trên toàn quốc.

Với thị trường xuất khẩu, TTF bày tỏ đang dần có vị thế vững chắc hơn. Năm 2020, Công ty bắt đầu đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; hiện phần lớn với 70% sản lượng gỗ đang xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Chiều ngược lại, tự nhận định thứ mà TTF thiếu chính là thị trường bán lẻ nội địa, Công ty cũng đặt tham vọng trở thành đơn vị chuyên thi công nội thất cho các công trình bất động sản trong nước song đối tác lớn nhất không thể tạo đủ dự án cho TTF do những thách thức thực tế của thị trường bất động sản thời gian qua.

Dù vậy, những tham vọng lớn vẫn chưa thực sự rõ nét, có thể do những tồn đọng quá lớn cần thêm thời gian xử lý, thị giá TTF trên thị trường vẫn khá lình xình, chưa đạt kỳ vọng của ban lãnh đạo cũng như cổ đông. Hiện, TTF đang giao dịch tại mức 5.630 đồng/cp, vẫn giữ nguyên tình trạng trong diện kiểm soát do còn lỗ luỹ kế 3.000 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2020.

Được mệnh danh là nhà đầu tư "mát tay" trên thương trường, trong một cuộc phỏng vấn mới đây ông Tín phủ nhận: "Thực ra tôi không phải là mát tay, mà tôi quan niệm rằng nếu bạn sống chết với một công ty thì công ty đó sẽ mang gene của bạn.

Ngược lại bạn cũng mang gene công ty đó. Một công ty chung một bộ gene thì chính là văn hoá công ty. Như vậy, nếu gene đó là gene trội thì công ty sẽ hoạt động tốt và tăng trưởng".

Thương vụ M&A nổi nhất cũng như

Thương vụ M&A nổi nhất cũng như "liều" nhất của ông Tín và U&I có lẽ là thu gom Gỗ Trường Thành (TTF).

Chia sẻ sâu hơn, ông Tín cho biết nếu nói về quản trị thì sẽ có khoảng 3-4 quyết định chính. Trong đó, những quyết định lớn là quyết định liên quan đến con người, chiến lược vốn. Cấp thấp hơn là khả năng và trình tự triển khai những quyết định lớn trên. Theo vị này, khó khăn nào cũng nằm một trong số quyết định đó, nếu hiểu được sẽ nắm bắt được khó khăn chỗ nào và xử lý dứt điểm.

"Mỗi khi vào một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu văn hoá đầu tiên. Bởi con người là trung tâm nên tìm hiểu được văn hoá ta sẽ xử lý được vấn đề. Quan trọng hơn nữa, chúng ta ở đây sẽ không đối xử với con người chỉ bằng tiền, mà là tình cảm của chính mình. Sau này, dù trong công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, big data… thì con người vẫn là trung tâm", ông Tín nhấn mạnh.

Dù vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu chi phí, phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Dựa trên các dự án triển khai sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu, các chuyên gia của FPT trong báo cáo mới đây cũng tính toán chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với cơn sóng mới thị trường cũng như nắm chắc cơ hội phục hồi, bứt phá trong bình thường tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

  • Mềm dẻo và linh hoạt đã giúp doanh nhân nữ vượt qua đại dịch

    Mềm dẻo và linh hoạt đã giúp doanh nhân nữ vượt qua đại dịch

    19:00, 08/03/2021

  • Chiến lược kinh doanh thông minh

    Chiến lược kinh doanh thông minh

    12:00, 08/03/2021

  • Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân - Cân bằng để hạnh phúc

    Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân - Cân bằng để hạnh phúc

    06:28, 07/03/2021

  • Hiểu sinh trắc học để

    Hiểu sinh trắc học để "sống thuận tự nhiên"

    12:47, 06/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín và kỳ vọng ở Gỗ Trường Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO