NCS xoay xở trong đại dịch
Từng “làm mưa làm gió” trên thị trường cung cấp suất ăn hàng không, nhưng đến nay Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) đã lỗ đậm vì tác động của COVID-19.
Sau khi lỗ ròng hơn 38 tỷ đồng năm 2020, NCS lại tiếp tục báo lỗ hơn 19 tỷ đồng trong quý 1/2021.
Xoay đủ nghề
Năm 2020, NCS bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 khiến các hãng bay giảm, thậm chí dừng hẳn nhiều chuyến bay quốc tế. Sản lượng chuyến bay năm 2020 chỉ bằng 96% so với kế hoạch năm và bằng 59% so với năm 2019, khiến sản lượng suất ăn cũng chỉ bằng 58% so với năm 2019.
Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến dịch vụ bán cơm văn phòng cho NASCO và dịch vụ giặt là cho VIAGS của NCS giảm mạnh kể từ khi các dịch vụ liên quan đến ngành hàng không phải tạm dừng vì đại dịch.
Trước tình thế đó, NCS xoay sang kinh doanh bánh mỳ, bánh ngọt cho Vinschool. Đặc biệt từ tháng 9/2020, NCS sản xuất và cung cấp các sản phẩm bánh thay thế cho sản phẩm bánh Richy. Ngoài ra, NCS cũng triển khai bán hàng online.
Mặc dù vậy, doanh thu thuần của NCS trong năm 2020 chỉ đạt 269 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2019, và lỗ ròng 38,1 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi sau thuế hơn 43 tỷ đồng.
19 là khoản lỗ ròng của NCS trong quý 1/2021 sau khi doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 38 tỷ đồng năm 2020. chữ
Bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh của NCS cũng không khá hơn khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Kết thúc quý 1/2021, NCS chỉ đạt doanh thu hợp nhất 44 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 con số cùng kỳ năm 2020. Dù đã cắt giảm đáng kể mọi chi phí bán hàng, quản lý, nhưng vẫn lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thua lỗ 2 năm liên tiếp, tại ĐHĐCĐ năm nay, NCS trình cổ đông thông qua việc lùi thời hạn chia cổ tức năm 2019 sang tận năm 2022.
Thách thức phục hồi
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp Tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động vận tải hàng không dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.
Trước khó khăn nói trên, tại ĐHĐCĐ mới đây, Ban Lãnh đạo NCS dự báo doanh thu năm 2021 của Công ty có thể chỉ bằng 78% so với năm 2020, song chi phí cao khiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 âm 79 tỷ đồng, bằng 207% so với năm 2020 (lỗ gấp đôi năm 2020).
Với định hướng phát triển giai đoạn 2021-2015 được NCS trình ĐHĐCĐ thông qua, công ty dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ quay trở lại từ năm 2022, nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không.
Theo đó, các chỉ số sinh lời của công ty cũng được kỳ vọng cải thiện từ năm 2022. Cụ thể, năm 2021, chỉ số ROEA của công ty là - 44%, nhưng sang năm năm 2022 là 18,8%, năm 2023 là 24,5% và năm 2024-2025 là 27%. Chỉ số ROA năm 2021 là -16,3% nhưng sang năm 2022 là 7,8%, năm 2023 là 10,6% và các năm tiếp theo xấp xỉ 13-14%. Chỉ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2021 là 5,54 lần, sang năm 2022 về 3,05 lần và đến năm 2025 về chỉ còn 0,73 lần.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ yêu cầu báo cáo sớm việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo
15:27, 02/07/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 02/07: Kiệt sức- hàng không xin mở cửa "hộ chiếu vaccine"
05:01, 02/07/2021
Kiến nghị loạt giải pháp về tài chính hỗ trợ hàng không Việt
11:00, 28/06/2021
Singapore Airlines "đón lõng" sự hồi phục hàng không Đông Nam Á
04:08, 30/06/2021
Nâng đà sải cánh hàng không
01:17, 26/06/2021
Mặc dù kết quả kinh doanh của công ty dự báo sẽ cải thiện trong những năm tới, song đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp khi các biến thể mới liên tục phát sinh và nguy hiểm hơn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với NCS trong tiến trình phục hồi của mình, nếu như doanh nghiệp này không tiếp tục đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.