Cổ phiếu nhóm ngân hàng điều chỉnh mạnh sau kết quả kinh doanh quý 2/2021?
Phiên giao dịch 12/7, cổ phiếu ngân hàng nằm sàn la liệt. Nhiều cổ phiếu đã về đúng thị giá ban đầu...
Cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt lao dốc mạnh khiến toàn bộ 26 mã trong nhóm đang niêm yết trên HNX, HSX và giao dịch trên UPCoM đều giảm giá. Điển hình cổ phiếu CTG giảm sàn 7% xuống 35.000 đồng/cp, VBB giảm 14% xuống 15.400 đồng/cp, OCB giảm sàn 7% xuống 27.400 đồng/cp; HDB cũng có thời điểm giảm sàn nhưng sau đó hồi phục.
Ngày 13/7, MBB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, giá tham chiếu điều chỉnh là 31.000 đồng/cp. Trong phiên giao dịch sáng 12/7, cổ phiếu này có lúc tăng nhẹ lên 31.800 đồng/cp nhưng không giữ được đà tăng mà lại quay đầu giảm gần sàn còn 29.800 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu như VCB giảm 2,1%, TCB giảm 3,7%, ACB giảm 3,7%, BID giảm 4%... Điều gì khiến cổ phiếu ngân hàng giảm sàn la liệt như vậy?
Trước hết, báo cáo nhận định của các chuyên gia cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đã phản ánh sự phân hóa của thị trường. Dòng tiền gần như chỉ đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, trong khi các nhóm ngành biến động khá ít, lượng giao dịch cũng không đột biến. Nhiều ý kiến đang lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng quá nóng khiến rủi ro thị trường gia tăng.
Tuy vậy, trong báo cáo chuyên đề về tăng vốn vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mùa đại hội cổ đông năm 2021 đang dần kết thúc nhưng chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu nóng những ngày gần đây, trong đó có ngành ngân hàng. Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá nóng trong thời gian qua, lợi nhuận tăng cũng đã phản ánh vào giá. Ngoài ra nhiều ngân hàng đã công bố kết quả quí 2 không như mong đợi do bùng phát dịch COVID lần thứ 4. Điển hình là cổ phiếu CTG, mới đây đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 ước đạt 5.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của CTG sẽ đạt 13.000 tỉ đồng, tăng 74% so với 6 tháng đầu năm 2020. Mức tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng này lần lượt đạt 4,8% và 3,4% so với đầu năm cũng như NIM (biên lợi nhuận) được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết gần đây với Manulife. Tuy nhiên với mức lợi nhuân trước thuế này, giá cổ phiếu tất yếu phải điều chỉnh về vùng 3x.
Hay như cổ phiếu ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt 1.650 tỉ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 2.800 tỉ đồng, mức tăng trưởng của MSB được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm. Ở vùng giá 3x MSB cũng sẽ có điều chỉnh.
Riêng cổ phiếu MBB bị bán mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/7, theo các chuyên gia do mức tăng trưởng đã phản ánh vào lợi nhuận. Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MB Group (gồm ngân hàng mẹ MB và các công ty con) đạt hơn 524.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm, trong đó tín dụng tăng 10,5% đạt gần 340.000 tỷ đồng. Doanh thu của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 22.900 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu trước dự phòng rủi ro của ngân hàng mẹ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Ở vùng giá 3x, nhịp điều chỉnh của cổ phiếu ngân hàng phản ánh khá sát với tình hình thực tiễn…
Nhận định về tiềm năng cổ phiếu nhóm ngân hàng trong tháng cuối năm các chuyên gia cho rằng với độ phủ hiện nay của vắc-xin, nền kinh tế thế giới sẽ dần thích ứng với trạng thái bình thường mới và các nền kinh tế lớn sẽ đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại. Việt Nam hiện đang tăng tốc triển khai tiêm vắc xin nhằm chống lại đại dịch COVID-19; Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan cũng như tạo tiền đề để ngành dịch vụ phục hồi bền vững hơn.
Theo ông Hiếu, cho đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất tiền gửi gần như không thay đổi. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 5,7% vào cuối tháng 5/2021, tương đương mức cuối năm 2020. NHNN đang tích cực có chính sách điều hành chính sách tiền tệ sát với thực tế và kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Dự báo lãi suất tín dụng sẽ duy trì ở mức ổn định cho đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Với những dự báo trên, khả năng sau đợt điều chỉnh mạnh này nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm…
Có thể bạn quan tâm
Thay đổi diện mạo khối Tài chính Ngân hàng sau COVID-19
11:20, 12/07/2021
Doanh nghiệp khu công nghiệp mong ngân hàng sớm thực hiện Thông tư số 03
04:00, 12/07/2021
Ngân hàng “đại hạ giá” bất động sản để thu hồi nợ nhưng vẫn ế
05:00, 09/07/2021
Tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành có lợi ích gì?
04:50, 08/07/2021