Thay đổi diện mạo khối Tài chính Ngân hàng sau COVID-19

Diendandoanhnghiep.vn Diện mạo khối Ngân hàng Tài chính, ngay giữa trung tâm của cuộc khủng hoảng vì COVID-19, sẽ phải thay đổi rất nhiều.

Đại dịch COVID như một chiếc gương kì lạ, nó không phản chiếu lại y hệt những gì người ta cho thấy ở bên ngoài, mà nó chiếu vào và làm lộ ra những khuyết điểm cấp thiết phải cải tạo, đồng thời cũng tôn nên những giá trị cần được bảo tồn và phát triển.

Diện mạo Khối Ngân hàng, ngay giữa trung tâm khủng hoảng, sẽ phải thay đổi rất nhiều (ảnh: Giao dịch tại TPB)

Diện mạo Khối Ngân hàng, ngay giữa trung tâm khủng hoảng, sẽ phải thay đổi rất nhiều (ảnh: Giao dịch tại TienphongBank)

Nhắc đến khối Ngân hàng tài chính, không chỉ có hệ thống các ngân hàng, được ví như là các mạch máu phải chuyển máu đi nuôi cơ thể là nền kinh tế, còn có sự điều phối của chính phủ, như trái tim đẩy máu đi và các thể chế định chế tài chính như các bộ phận lọc máu cho cơ thể. Vậy các chủ thể này đã, đang và sẽ thay đổi diện mạo như thế nào sau cuộc khủng hoảng có thể nói là "vô tiền khoáng hậu" này?

Thay đổi diện mạo đối với các thể chế định chế điều tiết khối Ngân hàng

Về khối thể chế định chế tài chính, người ta nhận ra các khung pháp lý và các quy tắc đã luôn phải chạy theo sau những vấn đề đã xảy ra và luôn luôn có độ trễ. Một minh chứng khi đại dịch COVID bắt đầu, ngay giữa chiến dịch Stress Test (thử thách mức độ chịu đựng của các ngân hàng trong những điều kiện stress khắc nghiệt), EBA (European Banking Authority) đã cho ngưng ngay chiến dịch kiểm tra này. Rất nhiều các quy tắc luật lệ đang ở bước bắt đầu áp dụng cũng vậy. Basel, tổ chức định chế Tài chính ngân hàng toàn cầu cũng tạm ngưng lại rất nhiều yêu cầu ràng buộc đối với các ngân hàng, ví dụ các yêu cầu Basel IV, các hạn chế về kích cỡ tài sản của các NH, về các chỉ số ràng buộc về bảng tổng sắp … đều được thay đổi điều kiện hay lịch trình cho thích ứng hơn. Người ta nới lỏng các dây chằng quanh cổ cho ngân hàng dễ thở hơn chút để họ còn có sức kéo cỗ máy kinh tế và các doanh nghiệp đang ngã vào bãi lầy mà cơn bão COVID tạo nên. Người ta nhận ra rằng có nhiều thứ hoặc là không đúng thời điểm, hoặc không  phù hợp với bản chất của vấn đề trước mắt. Sự thực là cần quay về với những điều tối giản và hiệu quả; những định chế rườm rà mất nhiều năm bàn cãi thật không hoặc chưa phải lúc đưa ra áp dụng.

Điểm đau đầu nhất cho khối định chế Tài chính là làm sao đưa ra được các khung định chế hướng tới những rủi ro tương lai chứ không phải chỉ là khắc phục những rủi ro đã xảy ra trong quá khứ. Việc đổi mới không chỉ nằm trong các công cụ kĩ thuật mà nằm ở tư duy và tầm nhìn của các nhà định chế. Dù trong lĩnh vực nào thì một định chế đi trước ở tầm nhìn xa trông rộng, gắn với hoặc đón đầu xu hướng phát triển hoạt động tài chính, với sự đồng thuận từ chính góc độ của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, sẽ là định chế có tác dụng hiệu quả nhất. Nếu ko định chế đó vẫn mãi là định chế chạy theo sau các vấn đề, mà lịch sử thì thường khó lặp lại, nên rủi ro thường thấy của một khung định chế là chưa kịp thỏa hiệp để được áp dụng thì đã lỗi thời.

Thay đổi diện mạo đối với Chính phủ trong các biện pháp hỗ trợ Tài chính

Chưa bao giờ các chính phủ các nước bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID lại phản ứng quyết liệt và ngay tức thì đến thế. Hàng loạt các gói hỗ trợ cho nền kinh tế được tung ra không do dự và không qua các quy trình biểu quyết rườm rà; nhiều chính phủ còn tuyên bố các gói hỗ trợ bằng mọi giá cho dù dư nợ quốc gia có tăng thế nào trong nhiều năm nữa. Đây là một động thái, ngoài lí do vì sự cấp bách của đại dịch, còn cho thấy sự thay đổi trong cách phản ứng quyết liệt của chính phủ.

Các gói hỗ trợ

Các gói hỗ trợ tài chính sẽ phải tính toán cho "cần câu" chứ không "cho cá"

Sự can thiệp của chính phủ về mặt hỗ trợ tài chính được thực hiện qua 2 cách thức cơ bản :

Thứ nhất, bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ tới các doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp để vay vốn thúc đẩy hoạt động mở rộng lại sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Điều này có tác dụng giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn tìm các khôi phục kinh doanh, chứ không chỉ chờ hỗ trợ như một giải pháp tình thế. Cách này được ví như việc đưa cần câu cho doanh nghiệp để tiếp tục câu thay vì đưa các cho doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu tạm thời.

Với sự đỡ đầu của chính phủ, các doanh nghiệp sẽ đỡ cảm thấy e dè hơn trong công cuộc đi tìm lại hoạt động của mình thay vì phải ngồi chờ trợ cấp hoặc tự đến gõ cửa các Ngân hàng. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Trong khi đó, nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, các ngân hàng thì đối mặt với 2 sự lựa chọn: hoặc mở rộng vốn cho vay và phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu cao; hoặc phải thắt chặt tín dụng để kiểm soát nợ xấu. Việc có bảo lãnh của chính phủ sẽ giúp cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa vốn tới doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, để có được sự bảo lãnh này từ phía nhà nước cũng cần trả một chi phí nhất định, điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp có những cân nhắc lựa chọn sáng suốt nhất cho kế hoạch kinh doanh của mình.

Thay đổi diện mạo đối với các Ngân hàng

*Đại dịch COVID đã giúp khối Ngân hàng Tài chính xây dựng sự kiên cường trong nghiệp vụ như thế nào ?

Các Ngân hàng đã phải học cách xoay sở với các giải pháp tình thế cấp bách để làm cầu nối cứu trợ các doanh nghiệp, vừa học cách hoàn thiện bản thân: Thích ứng hệ thống IT, các quy trình hoạt động chưa từng tồn tại trong một cuộc khủng hoảng không có tiền lệ. Đó là một cuộc nổi dậy « in the eye of the storm » *trong mắt bão) vừa phải chống chọi với những bất cập của hệ thống vốn có của mình, vừa phải hợp tác với chính phủ và các thể chế định chế và vừa, hơn lúc nào hết, phát huy chức năng chính là hỗ trợ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

TS. Lê Võ Phương Nga

TS. Lê Võ Phương Nga

Cuộc khủng hoảng này thực sự khác với những cuộc khủng hoảng trước và khối Ngân hàng tài chính đã có dịp thử lửa sức bền gan của mình. Chưa bao giờ các Ngân hàng trung ương và khối chính phủ mạnh tay tung ra các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và người dân nhanh và mạnh đến thế. Tất cả các hành động đó được đồng hành bằng sự triển khai của các ngân hàng. Không tung hô nhưng một cách lặng lẽ khối ngân hàng tài chính đưa ra lời nhắn nhủ: chúng tôi đã kiên cường rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một cách ví von, như một tâm điểm, khối Ngân hàng tài chính luôn được nhiều chủ thể để ý và nhắm tới: các doanh nghiệp, Nhà nước, các thể chế định chế tài chính… Giữa đại dịch COVID 19, khối này vẫn luôn là trung tâm của các mục tiêu hướng tới; nhưng nếu như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008,  ở phía nguyên nhân của các vấn đề và các chủ thể chính phủ phải ra tay giải cứu, thì trong cuộc khủng hoảng này, khối Ngân hàng Tài chính lại là người nắm trong tay chìa khóa mở các cánh cửa để hỗ trợ hay chuyển giải pháp đến các chủ thể bị ảnh hưởng.

*Và từ đây, những khái niệm rất khác về phát triển hấp dẫn cho khối Ngân hàng

Thứ nhất, quay trở lại những nhu cầu cơ bản: Nếu như chỉ rất gần đây thôi người ta ưa chuộng những dịch vụ tài chính được xây dựng một cách phức tạp cho hợp với nhu cầu phát triển và các sản phẩm về tài chính, nhưng sau đây sẽ là thời gian quay về nhu cầu cơ bản: các ngành về sản xuất trong nước sẽ lên ngôi như một đối tượng khách hàng được chào đón nhất: y tế, hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin… Cấu trúc dịch vụ trong các nhu cầu cơ bản này cũng sẽ thay đổi đi. Tăng trưởng tín dụng trước đây là một chỉ số chính đo hoạt động của Khối ngân hàng và nền kinh tế (hiện đang bị suy giảm cùng với nhu cầu của nền kinh tế) thì về sau này sẽ không còn là chỉ số duy nhât được đo đếm nữa. Cấu trúc khách hàng cho vay và sự  đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ mới sẽ mới là chỉ số đáng được đưa ra bàn luận. Đây là cơ hội tốt  để điều chỉnh danh mục tài sản, hạng mục cho vay và dịch vụ hướng tới sự bền vững, chứ ko hẳn chỉ là hướng tới sự an toàn.

Thứ hai, phục vụ những nhu cầu cơ bản một cách hiện đại: Dựa trên sự phát triển của các công nghệ số hóa và các quy trình tối ưu các thủ tục vận hành trong khối ngân hàng tài chính, hệ thống tài chính và ngân hàng trực tuyến sẽ tiếp tục được phát triển hơn bao giờ hết. Các nhu cầu về tư vấn sẽ được thực hiện từ xa từ bất kì vùng miền chi nhánh nào. Khái niệm « Ngân hàng bản địa » được đặt ở các điểm dân cư sẽ dần được thay thế bằng sự gần gũi qua màn hình máy tính hoặc qua chiếc điện thoại cầm tay. Kinh tế tiền mặt cũng như các dịch vụ tại quầy giao dịch sẽ ngày càng rút ra khỏi guồng quay, money mobile, mobile banking ngày sẽ càng lên ngôi trong thời đại mới. Dịch vụ tài chính nào càng phát triển, chủ thể của nó sẽ càng sớm ghi điểm và khẳng định vị thế. Đây là cơ hội cho các ngân hàng tầm trung vươn lên rút ngắn hoặc tạo khoảng cách với các ngân hàng lớn.

Đây cũng chính là động lực của tiến trình đang được nhắc đến nhiều nhất chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Tài chính. Việc số hóa từ văn bản, thủ tục, giao dịch, hay phương thức làm việc của đội ngũ nhân viên. Tình thế đặc biệt của khủng hoảng COVID xét về một phương diện nhất định là cơ hội để biết bộ máy vận động có hiệu quả không, chưa hiệu quả ở chỗ nào để thay đổi trong thời gian nhanh nhất. Đại dịch rõ ràng đã đưa đến những bước ngoặt hành động mới: Không còn lí do gì để biện minh cho những khó khăn để không thực hiện được , mà bắt buộc phải vào cuộc, và trong tình thế bắt buộc đó, rất nhiều sáng kiến giải pháp đã được đưa ra nhanh chóng mà tưởng chừng ở điều kiện bình thường khó có thể làm nổi hoặc  khó có thể vượt qua những rào cản có sẵn. Ban lãnh đạo các ngân hàng cũng đã có cơ hội mở mang tầm nhìn, quản lý nhân sự tối ưu hóa nguồn lực con người, có nhiều kịch bản để chuẩn bị tốt cho mọi tình huống.

Thứ ba, cơ hội để ngồi vào bàn đàm phán với nhà nước và các định chế quản lý: Nếu như trước đây các ngân hàng luôn phải chật vật chạy theo để trả lời được các yêu cầu từ các định chế tài chính hay trong các thương lượng với nhà nước, thì sau đợt này người ta thấy rõ hơn được « vị thế  quan trọng ở phía « giải pháp » của các ngân hàng, chứ không phải vị thế ở phía « vấn đề » như trong các khủng hoảng tài chính trước đây nữa.  

Từ thế giới nhìn về Việt Nam

Cũng như các chính phủ khác, Chính phủ Việt Nam đã có động thái đưa ra nhiều chiến lược hỗ trợ: Hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ tín dụng. Điều này cũng được đồng hành với các động thái nới lỏng chính sách và khung pháp lý tương tự của các nước trên thế giới và các tổ chức định chế Âu, Mỹ. Tuy nhiên, sự phản ứng nhanh trong việc áp dụng các các gói hỗ trợ là điều mà chúng ta có thể học hỏi, bởi các phương án đưa ra sẽ chỉ  có tác dụng khi đi vào thực thi. Để làm được điều này thì chính phủ thông qua các ngân hàng cần có sự nhanh nhạy trong việc triển khai các gói hỗ trợ: Nhanh nhạy trong quy trình, nhanh nhạy về định hướng mới của nên kinh tế, trong lựa chọn cấu trúc hoạt động. Đối với những thị trường tài chính còn sơ khai như Việt Nam, ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế thì điều này càng đặc biệt có giá trị.

Có quan điểm cho rằng đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng Tài chính tại Việt Nam, tuy nhiên đó chỉ là một chỉ số tức thời. Nợ xấu tăng và lãi suất, lợi nhuận giảm trong thời kì đại dịch là một chỉ số tất yếu song không phải là thước đo đánh giá sức khỏe thực sự của một ngân hàng. Về lâu dài sẽ là sự phát triển bền vững do chính khối Ngân hàng tài chính tạo ra, chứ không còn là công việc của các định chế quy định. Tại Việt Nam việc chỉ số lợi nhuận của các Ngân hàng sụt giảm gây lo ngại vì tỉ trọng thu của tín dụng vẫn chiếm đa số trong tổng thu của Ngân hàng. Vì vậy đây là thời điểm mang tính chất quyết định để bứt phá về các đổi mới sáng tạo trong dịch vụ ngân hàng. Nếu như trên thế giới tỉ trọng thu về tín dụng này có xu hướng giảm không ngừng trong cấu trúc lợi nhuận thì Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Đây là cơ hội vàng cho các ngân hàng Việt Nam để đem đến các dịch vụ mới cho khách hàng, nhà nước và sau hết là sự tăng thu cho chính ngân hàng từ các hoạt động phi tín dụng. Về điểm này có thể nói Việt Nam đã nhắm rõ đến tiến trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Tài chính, số hóa từ văn bản, thủ tục, giao dịch, phương thức làm việc ... chỉ còn là câu chuyện về thời gian.

Đại dịch COVID- 19 mang đến những mối lo toan nhưng nó cũng dạy cho người ta về sức chống chọi bền bỉ, về cách thức chuẩn bị sẵn sàng để đối phó và cách trở lại mạnh mẽ trong mọi tình huống.

Chung quy lại, thực sự diện mạo khối ngân hàng tài chính được chờ đợi sẽ thay đổi đáng kể. Hãy cùng đón chờ xem, ai và nơi nào nắm bắt được cơ hội này nhanh nhất. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế đi sau để tránh những khuyết điểm mà các nền kinh tế có hệ thống tài chính phát triển gặp phải, đồng thời phát huy khả năng thích ứng nhanh nhạy vốn có trong các đổi mới sáng tạo về công nghệ ngân hàng, để tạo ra một thay đổi lớn trong dòng chuyển biến của thời cuộc này.

(*)Tiến sĩ kinh tế, Giám đốc Quản trị rủi ro Tài chính – Ngân hàng Đầu tư Quốc tế Credit Agricole Pháp – Giám đốc Tài chính AVSE Global

(Bài viết dành riêng cho Diễn đàn Doanh nghiệp nhân Diễn đàn "Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi & Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ IX”, do Ban Tuyên Giáo TW, VCCI chỉ đạo, Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện ngày 8/7/2021 tại Hà Nội). 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi diện mạo khối Tài chính Ngân hàng sau COVID-19 tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714150727 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714150727 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10