Từ mức độ tiền rẻ với kỷ nguyên hạ lãi suất thấp kỷ lục để tạo thuận lợi bơm tiền, thời tiền tệ dễ dãi đã kéo dài như có tính chu kì liên tục trong hàng chục năm qua.
Lâu nay xu hướng chung là lãi suất ngày càng giảm, tiền ngày càng nhiều, kiếm tiền ngày càng “dễ dãi”, người giàu ngày càng lắm… Người lo sợ khủng hoảng do lạm phát, kẻ sung sướng tiêu xài nhìn giá tài sản ngày càng tăng. Thời tiền tệ dễ dãi có chủ ý đã được các nhà điều hành tiền tệ các Chính phủ khởi lên. Mỹ, và không chỉ Mỹ mà cả thế giới, đang nới lỏng tiền tệ suốt nhiều năm. Dường như việc phá giá đồng USD là nằm trong chủ đích, bài viết của một chuyên gia cựu CEO ngân hàng phân tích.
Theo vị này, để ứng phó với bối cảnh tăng trưởng kinh tế đã hết động cơ và nhiều khu vực, quốc gia "đứng lại", những nền kinh tế tương đối phát triển theo đó đã duy trì tăng trưởng bằng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ có tác dụng tức thì, hiệu quả nhanh... mà lơi lỏng dần chính sách tài khoá căn cơ đòi hỏi thời gian. Đồng tiền dễ dãi sinh ra từ đây. Và các hiệu ứng phụ bắt đầu xuất hiện và lộ rõ qua khủng hoảng tài chính 1997-1998. Hệ quả lớn thấy được của việc lạm dụng các đồng tiền dễ dãi kế đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và một lần nữa, chính sách tiền tệ giá rẻ, lãi suất thấp, bơm các gói siêu nới lỏng định lượng được áp dụng để kích cầu và duy trì tăng trưởng. Những tín hiệu hồi phục từ 2015-2016 khiến chúng ta cũng dễ quên đi những hệ lụy của tiền tệ dễ dãi. Biện pháp này lại dược dùng ứng phó với COVID-19 nhưng lần này ghê gớm hơn, đe doạ sẽ khơi màn một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu lớn hơn nhiều 2008.
Nhìn lại, chuyên gia đánh giá, thực tế hiện tượng tiền tệ dễ dãi này mang tính bền vững và lâu dài cho cả một giai đoạn phát triển. Tính "dễ dãi" bao gồm 3 nội hàm: Lãi suất thấp; Ngân hàng Trung ương phát hành tiền vô tội vạ và Tốc độ vòng quay vốn chậm dần lại.
Tuy nhiên, bơm tiền nhiều nhưng không lạm phát lại không đe dọa, là bởi; cùng với hoạt động huy động cho vay của các ngân hàng trở nên yếu đi, các công cụ thay thế được chú trọng, theo đó Hệ số nhân tiền giảm; Tốc độ Vòng quay vốn chậm lại và Tác dụng của chính sách tiền tệ qua hệ thống NHTM đang yếu đi và chậm hơn (trong khi cơ chế mới chưa có) nên lạm phát chưa bùng phát. Tác giả cho rằng tuy vậy ai cũng hiểu không thể nới lỏng chính sách tiền tệ, phát hành tiền vô tội vạ mãi.
Những đặc trưng của thời tiền tệ dễ dãi này theo đó cũng được nêu ra: 1.Tình trạng vốn “dư thừa” hay “dường như dư thừa” vẫn còn kéo dài; 2. Lạm phát trái phiếu và 3. Các chương trình trợ cấp, bảo hộ ngày một nhiều dường như không khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh vì sự sống còn, làm mất động lực nâng cao năng lực chống chọi khủng hoảng của doanh nghiệp. Khả năng chịu sốc và chống chọi khủng hoảng của các nền kinh tế sẽ khác nhau; 4. Thâm hụt ngân sách tăng cao do phát hành tiền để chi tiêu kích cầu. Hoạt động này có thể gây mất kỷ luật ngân sách và bất ổn trong hệ thống tài chính công về sau. 5. Hệ thống ngân hàng sẽ có những biến động nhất định trong đó vừa có lãi, vừa chịu sức ép mới. 6. Nếu khủng hoảng 2008 thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy hoạt động hệ thống ngân hàng và triết lý của các chính phủ trong quản lý tiền tệ thì COVID-19 thay đổi cơ bản hành vi của tiêu dùng, chuỗi cung ứng và đặc biệt là triết lý của các chính phủ trong quản trị xã hội. Vai trò Nhà nước đươc đề cao.
Có 3 tác nhân có thể chấm dứt kỷ nguyên này (theo thứ tự thời gian để đạt điểm tới hạn): Chấm dứt chủ động khi các NHTW dùng các công cụ ngăn chặn sớm (Preemptive) căn cứ các chỉ số dẫn dắt (Leading Indicators) dần hạ nhiệt; Kịch bản bị động với tiêu dùng hồi phục, hoặc xuất hiện yếu tố kích cầu mới... làm vòng quay vốn tăng lại quá nhanh mà không kịp rút tiền gây lạm phát và khủng hoảng thanh khoản; Xuất hiện chiến tranh tiền mã hóa và sẽ làm thay đổi bản chất chiến tranh tiền tệ.
“Kỷ nguyên này còn kéo dài: ngắn là hai-ba năm, dài thì 7 năm đến 10 năm. Tuỳ tác nhân nào đến trước và tương tác với nhau ra sao. 2029-2030 sẽ có trật tự tiền tệ mới”, ông dự báo.
Cùng quan điểm nhưng ở một cách diễn giải khác, trước đó, chia sẻ với DĐDN, Chuyên gia Tư vấn Chiến lược tăng trưởng Doanh nghiệp Phạm Việt Anh nhận định kinh tế toàn cầu đang đứng trước một kỷ nguyên tiền dễ xuất phát từ nguyên nhân "tiền tệ hoá nợ".
Thực tế, tiền tệ hóa nợ chủ yếu được xuất phát từ các quốc gia phát triển với qui mô ngày càng lớn và được thực thi qua nhiều hình thức. Như ví dụ dễ thấy nhất là Chính phủ phát tiền cho dân tiêu (Mỹ) được tài trợ bằng nợ, các gói cứu trợ khổng lồ bằng phát hành trái phiếu nợ..., là cách phổ biến. Qua đó bơm tiền giá rẻ trực tiếp tới nền kinh tế, kích thích tiêu dùng của dân nhằm kích hoạt tăng trưởng. Theo một số liệu thì lượng trái phiếu toàn cầu được phát hành hiện đã gấp gần chục lần GDP toàn cầu. Để làm được vậy thì phải đẩy lạm phát giá tài sản lên (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, vàng, dầu hoả...). Vì Mỹ là nền kinh tế tiền tệ, tức sản xuất đã dịch chuyển ra nước ngoài nhiều rồi, cho nên vốn rẻ bơm ra là đi trực tiếp một phần vào cứu trợ tiêu dùng, và phần lớn vào thanh khoản ngân hàng, qua đó thúc đẩy cho vay đầu tư vào thị trường tài sản...
Và vì vậy trong kỷ nguyên tiền dễ, chuyên gia Phạm Việt Anh nhấn mạnh, mới xuất hiện một nghịch lý là suy thoái cứ suy suy thoái, khủng hoảng cứ khủng hoảng, những các kênh đầu tư bùng nổ cứ bùng nổ, đẩy giá tài sản bong bóng ngày càng phình to.
Kỷ nguyên tiền dễ này sẽ chấm dứt khi lạm phát đạt đủ, hay bong bóng giá tài sản đã được thổi quá ngưỡng và... kích nổ? “Điều này còn tùy thuộc vào mức độ “say” đầu tư của chính các nhà đầu tư. Keynes có câu nói nổi tiếng là" Trong dài hạn ai cũng chết" và như vậy nhiều chính phủ vẫn tiếp tục đưa ra những gói kích thích kinh tế và cứu trợ khổng lồ. Dẫu trước mắt, các thị trường đầu tư tài chính, hàng hóa chưa đi đến viễn cảnh dài hạn nhưng không phải vậy mà không có những cảnh báo rủi ro. Cũng như, Việt Nam trong một quy mô nhỏ hơn, điều hành tiền tệ khéo léo thì cũng cần phải kịp thời điều chỉnh nguồn vốn đi đúng hướng nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và phát triển kinh tế”, chuyên gia Phạm Việt Anh nói.