Kinh tế thế giới

Đòn bẩy tài chính cho hạ tầng bền vững tại châu Á

Cẩm Anh 12/07/2025 11:00

Sau một thập kỷ hình thành và mở rộng, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang bước vào giai đoạn chuyển giao trong bối cảnh môi trường địa chính trị nhiều biến động.

Ảnh màn hình 2025-07-11 lúc 20.33.50
AIIB đang bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng trong bối cảnh môi trường địa chính trị nhiều biến động.

Quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Bắc Kinh phần nào phản ánh sự thất vọng sâu sắc trước việc các nền kinh tế hàng đầu thế giới không sẵn lòng trao thêm ảnh hưởng cho Trung Quốc trong các thể chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Việc thành lập AIIB cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt về ưu tiên phát triển rằng, nhiệm vụ cốt lõi của AIIB không phải là xóa đói giảm nghèo, mà là cải thiện cơ sở hạ tầng, với trọng tâm lớn nhất dành cho khu vực châu Á.

“Chúng tôi không có ý định làm đảo lộn trật tự tài chính và kinh tế quốc tế, dù nó còn rất nhiều điều cần cải thiện. Đây thực sự là một cơ hội để Trung Quốc chứng minh rằng mình có thể hợp tác với các quốc gia khác và đóng góp vào thực tiễn quốc tế, không chỉ theo mô hình phương Tây để mọi người tin rằng Trung Quốc là một lực lượng vì hòa bình và thịnh vượng toàn cầu”, Chủ tịch AIIB Jin Liqun cho biết.

Một thập kỷ sau, khi bà Zou Jiayi, một nhân vật kỳ cựu của Bộ Tài chính Trung Quốc, chuẩn bị kế nhiệm ông Jin Liqun. Đây có thể là thời điểm thích hợp để nhìn lại chặng đường phát triển của ngân hàng này và cân nhắc vai trò của AIIB trong 10 năm tới.

Dù vẫn còn nhiều hoài nghi, đặc biệt từ các nước phương Tây, nhưng sự gia tăng số lượng thành viên AIIB từ 57 lên 110 nền kinh tế đã cho thấy mức độ ủng hộ rộng rãi đối với ưu tiên xây dựng hạ tầng của ngân hàng này tại phần lớn các quốc gia đang phát triển.

AIIB đã cung cấp tài chính trị giá 61 tỷ USD cho hơn 320 dự án tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, cấp nước, đô thị hóa, hạ tầng số và y tế. Ngân hàng tuyên bố đã hỗ trợ xây mới hoặc nâng cấp 51.000 km đường bộ và đường sắt, cải thiện hệ thống tưới tiêu cho 22 triệu người, phát triển hơn 21 gigawatt năng lượng tái tạo và cắt giảm 28,5 triệu tấn khí CO₂ trong lĩnh vực năng lượng.

Mặc dù Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama lo ngại rằng AIIB sẽ tìm cách làm suy yếu trật tự tài chính đa phương theo mô hình Bretton Woods, thậm chí chính quyền Mỹ đã cố gắng ngăn cản các đồng minh như Anh, Pháp, Australia và Đức trở thành thành viên sáng lập nhưng không thành công, AIIB vẫn hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khác để tối ưu hóa tác động trong lĩnh vực hạ tầng.

Theo ông David Dodwell, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn về chính sách thương mại và quan hệ quốc tế Strategic Access, Mỹ hiện vẫn đứng ngoài AIIB, nhưng điều đáng chú ý là sự chỉ trích dữ dội từ Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông lại chủ yếu nhắm vào Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối BRICS, tổ chức được coi là lực đẩy chính trong việc “phi đô la hóa” nền kinh tế toàn cầu.

"Dù AIIB và NDB có nhiều điểm tương đồng như cổ đông chính gần như giống nhau, cùng khuyến khích sử dụng nội tệ trong thương mại và tài chính quốc tế, nhưng AIIB có lẽ đã tránh được sự công kích của ông Trump nhờ cam kết rõ ràng tránh xa các động cơ chính trị", ông Dodwell nói.

Như ông Jin từng nhấn mạnh với Financial Times năm 2016: "AIIB sẽ không làm bất cứ điều gì bị thúc đẩy bởi chính trị, và sẽ không can thiệp vào các vấn đề chính trị.”

Giới quan sát nhận định, Chủ tịch kế nhiệm của AIIB có nhiều điểm tương đồng với ông Jin như đều có sự nghiệp gắn bó với Bộ Tài chính Trung Quốc, luôn giữ mối quan hệ gần gũi với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phát triển đa phương khác.

Ảnh màn hình 2025-07-11 lúc 20.34.28
Chủ tịch AIIB Jin Liqun. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tuy nhiên, họ cũng có nhiều điểm khác biệt. Ông Jin từng làm việc nhiều năm ở nước ngoài, trong đó có sáu năm tại Ngân hàng Thế giới ở Washington và sáu năm tại Ngân hàng Phát triển châu Á. Trong khi đó, bà Zou từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao chủ yếu tại Bộ Tài chính Trung Quốc, tập trung vào hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các định chế tài chính quốc tế khác nhưng từ trong nước là chính.

Mặc dù khó có khả năng bà Zou sẽ tiến hành các thay đổi lớn tại AIIB, nhưng những biến động mạnh từ chính quyền Mỹ hiện nay cho thấy một môi trường quốc tế đầy thách thức. Bản “kiểm toán” sắp được công bố của ông Trump về các tổ chức đa phương toàn cầu có thể sẽ tạo ra áp lực lớn.

Dù Mỹ không có quyền can thiệp trực tiếp vào hoạt động của AIIB, thái độ của ông Trump có thể tác động sâu sắc đến tất cả các tổ chức nằm trong lõi của hợp tác đa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á đang đối mặt với nhu cầu hạ tầng ngày càng lớn từ giao thông, năng lượng sạch, đô thị hóa cho đến chuyển đổi số, AIIB được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực tài chính chủ chốt giúp lấp đầy khoảng cách đầu tư hạ tầng.

Khác với các ngân hàng phát triển truyền thống vốn chú trọng vào xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ thể chế, AIIB định vị mình là một tổ chức linh hoạt, hướng tới hiệu quả đầu tư, có thể đồng hành cùng khu vực tư nhân trong các dự án lớn, phức tạp và có tác động dài hạn tới tăng trưởng kinh tế khu vực.

Đặc biệt, khi châu Á đang chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, AIIB có thể trở thành một công cụ tài chính quan trọng giúp các quốc gia trong khu vực chuyển mình sang mô hình phát triển bền vững.

Những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng số, logistics thông minh, và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đều cần nguồn vốn quy mô lớn, ổn định và có tầm nhìn dài hạn, đúng với thế mạnh của AIIB. Việc ngân hàng này cam kết tránh xa chính trị và tập trung thuần túy vào hiệu quả đầu tư cũng là một điểm cộng quan trọng để thu hút sự đồng thuận từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong chặng đường tới, bà Zou sẽ phải chứng minh được khả năng cân bằng giữa mục tiêu phát triển hạ tầng quy mô lớn với trách nhiệm môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Đồng thời, việc duy trì lập trường trung lập giữa các cạnh tranh địa chính trị lớn cũng sẽ là một thử thách không nhỏ.

Tuy vậy, nếu giữ được định hướng đa phương, minh bạch và hiệu quả như trong giai đoạn đầu, AIIB hoàn toàn có thể trở thành một trong những thể chế tài chính phát triển có ảnh hưởng nhất tại châu Á trong thập kỷ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòn bẩy tài chính cho hạ tầng bền vững tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO