Giao dịch "chui" cổ phiếu VPB, một cá nhân bị phạt gần 1 tỷ đồng

NGUYỄN LONG 28/07/2021 14:45

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa công bố thông tin ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với ông Trần Ngọc Bê với số tiền phạt 940,35 triệu đồng.

Luật Chứng khoán đã nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong giao dịch chứng khoán.

Luật Chứng khoán đã nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong giao dịch chứng khoán.

Nguyên nhân là ông Trần Ngọc Bê không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, trong khi ông là anh rể của một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB).

Cụ thể, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1-2021, mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2-2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3-3-2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 23-7-2021.

Trong vòng một năm trở lại, cổ phiếu của VPBank có biến động giá tăng hơn 188%. Theo báo cáo thường niên của VPB, tính đến cuối năm 2020, ông Bê đang nắm gần 121,69 triệu cổ phiếu của VPBank (tương ứng tỉ lệ 4,81%). Nếu tính theo thị giá 57.000 đồng/cổ phiếu (phiên 27/7), ước tính, tổng số cổ phiếu trên có giá trị hơn 6.936 tỷ đồng.

Trước đây, những người như ông Bê cũng không có nghĩa vụ phải đăng ký và công bố giao dịch nhưng quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã mở rộng định nghĩa của người nội bộ hoặc có liên quan trong đó có bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân; Doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc vốn góp của doanh nghiệp đó; Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức là người nội bộ, người có liên quan có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.

Việc giao dịch cổ phiếu chui không còn mới, hầu như năm nào cũng ghi nhận các vụ việc người thân hoặc có liên quan đến lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết giao dịch cổ phiếu nhưng không công bố thông tin. Việc tìm kiếm từ khóa “giao dịch cổ phiếu chui” sẽ thấy hơn 45 triệu kết quả trên Google trong 0,55 giây.

Đầu tháng 7, UBCKNN đã quyết định xử phạt hành chính đối với bà Đoàn Thị Nguyên Thảo - em gái ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) về hành vi vi phạm về công bố thông tin giao dịch. Bà Thảo bị phạt hành chính tổng cộng 30 triệu đồng.

Đến nay, Việt Nam đã có Luật Chứng khoán tương đối đầy đủ về các quy định xử phạt hành chính trong vi phạm. Hồi đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 126/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Hiện nay, với hệ thống văn bản pháp luật chứng khoán mới (Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành) có số lượng quy định lớn, các hoạt động chứng khoán đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện so với hoạt động theo hệ thống pháp luật cũ (Luật Chứng khoán 2006). Trong quá trình triển khai áp dụng, TTCK sẽ phát sinh những hành vi, hoạt động sai lệch so với quy định pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK nên cần phải được xử lý kịp thời nhằm điều chỉnh hành vi, tác động đến ý thức tuân thủ pháp luật trên TTCK.

Bên cạnh đó, Nghị định số 156 được xây dựng đồng thời với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 có thể chưa lường hết các tình huống và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cần quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt tương ứng. Một số hành vi của người hành nghề, tổ chức kinh doanh chứng khoán được quy định biện pháp xử lý hành chính tại pháp luật chứng khoán như rút giấy phép, chứng chỉ cũng đồng thời bị xử phạt tại Nghị định số 156 đã tạo sự trùng lắp.

Qua thời gian thực thi trong đầu năm 2021, quy định mức xử phạt tiền đối với vi phạm nghĩa vụ báo cáo khi giao dịch của người nội bộ cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc áp dụng.

Từ yêu cầu thực tiễn và cơ sở pháp lý nêu trên cho thấy sự cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 156 để hoàn thiện khả năng đảm bảo thực thi hệ thống pháp luật chứng khoán mới theo Luật Chứng khoán 2019, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, giúp TTCK vận hành công khai, minh bạch, an toàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi): Chỉ thành lập Sở giao dịch chứng khoán duy nhất

    Thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi): Chỉ thành lập Sở giao dịch chứng khoán duy nhất

    16:41, 26/11/2019

  • Luật chứng khoán sửa đổi: Cần có tư duy nâng tầm thị trường

    Luật chứng khoán sửa đổi: Cần có tư duy nâng tầm thị trường

    11:01, 11/06/2019

  • Dự Luật chứng khoán (sửa đổi): Cân nhắc về mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán

    Dự Luật chứng khoán (sửa đổi): Cân nhắc về mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán

    16:42, 06/06/2019

NGUYỄN LONG