TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Khi nhà đầu tư mới phó thác cho Brokers...
Vài ngày qua, giới đầu tư chứng khoán đang xôn xao bàn luận câu chuyện một F0 (nhà đầu tư mới) tố cáo một Broker – môi giới của CTCK có hành vi “lùa gà” - dẫn dắt các F0 đầu tư nhằm thu lợi bất chính.
Trong đơn tố cáo của một nhà đầu tư gửi đến công ty chứng khoán V. có viết: "Tôi là một trong vài trăm nhà đầu tư bị thiệt hại do Broker (môi giới - PV) L.T.T, ID 88** quản lý. Nay tôi viết đơn này với sự đồng thuận chung của rất nhiều anh/chị, để tố cáo/cảnh giác các hành vi đã và đang của L.T.T, gây thiệt hại cho mọi người".
Xoay quanh vấn đề này, rất nhiều ý kiến đặt ra với quan điểm khác nhau về có nên đặt trọn niềm tin hay quản lý tài sản của mình cho Broker hay không. Đây là vấn đề mà rất nhiều nhà đầu tư F0 trên thị trường quan tâm bởi không ít người khi vào thị trường, cũng đã đang hoặc có ý định tìm người "dẫn dắt".
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ 2020 cho đến nay, F0 đã được giới đầu tư kỳ cựu (Fn) thừa nhận là một "thế lực" thực sự. Chỉ trong thời gian ngắn gần nhất, lượng người mới tham gia thị trường chứng khoán tăng chóng mặt. 6 tháng đầu năm 2021, lượng tài khoản mở mới lên đến 482,8 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Ước tính, mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới.
Cầu tăng ắt sẽ có cung tăng. Với những nhà đầu tư mới, chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư theo tâm lý đám đông, hoàn toàn không có kiến thức về thị trường và cần đến sự giúp đỡ của các môi giới, chuyên gia tư vấn. Do đó, các broker, chuyên gia tư vấn theo đội, nhóm, cá nhân trong thời gian cũng "nhân lên" lực lượng hùng hậu trên thị trường. Điều này khác hẳn với bức tranh cách đây 2-3 năm khi chứng khoán còn "èo uột", nhiều nhà môi giới, nhiều người nhận mình là chuyên gia tư vấn đã "bẻ bàn phím chơi chứng", chuyển nghề sang làm... môi giới bất động sản ở cái thời địa ốc nóng sốt nhiều phân khúc, tại nhiều địa phương.
"Trước sức tăng nóng của thị trường chứng khoán, thấy rất nhiều người tham gia và chốt lời khủng, tôi cũng được rất nhiều Broker từ các công ty chứng khoán chăm sóc mời chào đầu tư. Không cần những kiến thức về Tài chính nói chung và thị trường chứng khoán, chúng tôi có thể phó thác tài khoản của mình cho người môi giới quản lý và hỗ trợ. Họ xây dựng các group chat trên mạng xã hội và đưa ra các khuyến nghị đầu tư hằng ngày, các điểm, mua, bán, chốt lời hay cắt lỗ", một nhà đầu tư bộc bạch.
Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường đều coi những nhà môi giới là người dẫn dắt, dựa vào nhà môi giới. Trong khi không ít môi giới, tư vấn thì dựa trên mục tiêu cao nhất là hoa hồng/ phí giao dịch, thưởng trên doanh số giao dịch... Họ sẵn sàng thực hiện những mánh khóe bán hàng được ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, thậm chí chấp nhận, thổi phồng thêm những con số, chỉ tiêu triển vọng của các công ty, để thu hút nhà đầu tư xuống tiền.
Bên cạnh đó còn có nhiều người tổ chức những lớp dạy đầu tư chứng khoán thu học phí cắt cổ, "phím" các mã cổ phiếu cho nhà đầu tư, nhưng khi bị lỗ thì phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm. Ban đầu tham gia lúc thị trường tăng nóng, nhà đầu tư thường hồ hởi bởi lãi trên sổ sách tăng cao. Nhưng khi thị trường lao dốc, mất toàn bộ lợi nhuận thậm chí âm vào vốn thì lại không biết kêu ai.
Vì vậy, không ít chuyên gia chứng khoán và các nhà đầu tư Fn, trải qua nhiều đợt "đau thương", trả giá trên thị trường, đã không ngừng khẳng định: Kiến thức và kinh nghiệm là 2 yếu tố then chốt mà phải tích luỹ dần mới đạt được thành quả. Chạy theo đám đông và phó thác tài sản của mình cho người khác thì rủi ro là rất cao.
Ở phía các nhà môi giới, brokers, không ít người cũng thẳng thắn rằng, bên cạnh những nhà tư vấn - môi giới chuyên nghiệp, thị trường lẫn lộn brokers còn thiếu, yếu và kém kiến thức chuyên môn lẫn thiếu cả đạo đức làm nghề. Nhà đầu tư có thể nhận diện các "tư vấn viên" như vậy khi được "phím" 1 số mã cổ phiếu (có thể) hot và đang trên đà tăng, nhưng khi khách hàng phản hồi là chưa muốn theo, chưa muốn mua thì lại đưa ra những lời cam kết, thậm chí là "anh/chị không đủ, em cho mượn tiền, phải vào con này, nó lên mạnh lắm, không vào mất cơ hội lại tiếc". Hay có người còn "tiền trảm hậu tấu" tự mua khi khách còn đang lưỡng lự, tùy tiện "mượn" cổ phiếu của nhà này, bán cho nhà kia... Bản thân những nhà tư vấn như vậy cũng chịu sự thanh lọc của thị trường và chuyện lẫn lộn "vàng thau" là khó tránh.
"Với câu chuyện đơn tố cáo một Broker đang “lùa gà” thu lợi bất chính, chúng ta cũng phải nhìn dưới góc độ thị trường chứng khoán không phải bức tranh “màu hồng”, ai tham gia đầu tư cũng là kẻ chiến thắng, sẽ có người được kẻ mất", một nhà đầu tư chuyên nghiệp nói.
Theo vị này, chắc chắn trong giai đoạn thị trường đang biến động mạnh từ khi đạt đỉnh 1.412 điểm đến nay, đã thanh lọc rất nhiều nhà đầu tư F0. Bên ngoài thị trường, vẫn còn nhiều nhà đầu tư chờ đợi để là những thế hệ F0 kế tiếp. Có F0, có thanh lọc thì mới có Fn kỳ cựu. Để đứng vững trước những đợt thanh lọc khốc liệt, nhà đầu tư chỉ có thể tự trang bị đầy đủ hành trang, làm chủ chính mình.
Có thể bạn quan tâm