VN-Index có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh
Bên cạnh các dự báo về việc nới rộng đà hồi phục của thị trường, một số chuyên gia cũng cho rằng có thể VN-Index sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch 11/8.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, chỉ số VN-Index đã tăng 2,57 điểm lên 1.362,43 điểm. HNX-Index tăng 4,4 điểm lên 335,08 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 81 mã giảm và 62 mã đứng giá.
UPCoM-Index tăng 1,15 điểm lên 90,53 điểm. Đáng chú ý là chỉ số VN30 hôm nay lại mở rộng đà bán với 17 mã xuống giá, 12 mã tăng giá và 1 đứng giá, kết phiên VN30-Index mất 3,42 điểm xuống còn 1.294,41 điểm
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.751 tỷ đồng, tăng 5,2%. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 2,2% lên 21.050 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 570 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Đà tăng của thị trường được CTCK KBSV lý giải là do thị trường đón thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 đặt mục tiêu TP HCM kiểm soát dịch trước 15/9 và Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành hàng không trong phiên 10/8 điều chỉnh do Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang giãn cách xã hội, trong đó có đường bay Hà Nội - TP.HCM, khiến giá cổ phiếu VJC giảm (-0.7%).
Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết giá phân bón Việt Nam tăng phi mã 72% từ đầu năm theo xu hướng giá phân bón thế giới, các doanh nghiệp phân bón đã tăng tối đa công suất, giúp giá cổ phiếu ngành phân bón tăng ở DPM (+5,2%), DCM (0,8%). Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết giá lúa gạo và nông sản khác giảm sâu là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, khiến giá cổ phiếu ngành gạo giảm ở AGM (-1,3%).
Các chuyên gia của KBSV nhận định, VN-Index có khả năng mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn đang được duy trì với cơ hội thử thách vùng kháng cự kế tiếp tại 138x. Mặc dù vậy, đây được xem là một vùng cản mạnh, mang tính quyết định đến khả năng vượt đỉnh của chỉ số nên áp lực bán nhiều khả năng sẽ gia tăng, gây rủi ro đảo chiều cho VN-Index.
“Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm thời đóng hết các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục khi VN-Index tiếp cận vùng cản then chốt đã đề cập, chỉ giữ lại các vị thế trung hạn tương ứng với kỳ vọng vượt đỉnh thành công”, chuyên gia phân tích của KBSV khuyến nghị.
CTCK BSC cho rằng, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tích cực với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước cho thấy tâm lý giao dịch tích cực của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên cả 2 sàn HNX và HSX. Với xu hướng như trên, VN-Index dự kiến vẫn có thể tiếp tục vận động trong vùng 1.350-1.380 điểm. Ngành dầu khí tăng mạnh trong phiên chủ yếu do hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều công bố lợi nhuận trong quý 2 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nổi bật là BSR, PLX, PLC hay PVT.
Chuyên gia phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh và mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là 1.340 điểm. “Đồng thời, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh này sẽ chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng ngắn hạn và thị trường có thể sẽ phân hóa khi áp lực chốt lời gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong những phiên giao dịch tới”, chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng vào vùng lạc quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh dù xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh, đặc biệt các nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng đang nắm giữ với các cổ phiếu đã có mức sinh lời trên 15%”, CTCK Yuanta khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm