Vì sao DLG bị kiểm toán ý kiến về khả năng hoạt động liên tục?
Lỗ lũy kế hơn 842 tỷ đồng, cùng với khoản cho vay 2.410 tỷ đồng, nhưng không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3, DLG bị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.
Theo đó, báo cáo tài chính (BCTC) bán niên của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) mới công bố, thể hiện ý kiến của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Cụ thể, DLG lỗ luỹ kế hơn 842 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021 trong khi các khoản nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn gần 240 tỷ đồng.
Hiện tổng nợ của DLG là trên 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Các chủ nợ lớn của DLG là BIDV, Vietinbank, Sacombank. Một số khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của vợ chồng ông Bùi Pháp – Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG.
Mặc dù đang nợ lớn nhưng DLG vẫn dành khoảng 26% tổng tài sản, tương đương 2.410 tỷ đồng để cho các tổ chức và cá nhân vay. Khoảng 1.190 tỷ đồng trong số này là các khoản vay ngắn hạn, phần còn lại cho vay dài hạn từ 36 - 60 tháng với lãi suất dao động 7-11,8%/ năm. Do đó, kiểm toán cũng đã nhấn mạnh về việc công ty cho vay khoản tiền lớn nhưng tất cả đều không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
Trước ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán, DLG cho biết, các khoản vay cho các bên liên quan nêu trên không có tài sản bảo đảm đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của DLG tại BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2021.
Về vấn đề nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, hiện Tập đoàn đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính, lập kế hoạch và lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả... Tập trung thu hồi các khoản công nợ để thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn.
Mặt khác, Tập đoàn sẽ xin ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ gốc, miễn giảm lãi. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của dự án thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp tới, chậm nhất đến ngày 31/12/2023. Do vậy, báo cáo này của DLG được lập dựa trên giả thiết DLG hoạt động kinh doanh liên tục.
Đối với tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, DLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 903 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ và lãi ròng 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 286 tỷ đồng. Mảng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là thu phí BOT, bán đá, sản phẩm nông nghiệp và điện thương phẩm.
Công ty thu hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay, nhưng cũng phải trả trên 180 tỷ đồng chi phí lãi vay các bên. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị ăn mòn, chỉ còn lãi sau thuế 23 tỷ đồng.
Tổng tài sản của DLG đến cuối tháng 6/2021 đang ở mức 8.168 tỷ đồng, xấp xỉ hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 2.416 tỷ đồng, tăng 18% sau 6 tháng. Trong đó, công ty ghi âm 345 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (đầu năm ghi âm 432 tỷ đồng).
Chi phí xây dựng dở dang dài hạn giảm 3% sau 6 tháng, về mức 406 tỷ đồng. Đây là các khoản chi phí trùng tu dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14, dự án nhà máy điện Tân Thượng, dự án Đức Long Gia Lai Hotel Pleiku và các công trình xây dựng khác.
Năm 2021, DLG đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 50 tỷ đồng, đồng thời cắt đứt mạch lỗ 2 năm trước. Như vậy, với kết quả đạt được của nửa đầu năm, doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Pháp đã thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Theo chia sẻ của lãnh đạo DLG tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, công ty đang tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất thiết bị điện tử, đầu tư bất động sản và nông nghiệp. Định hướng này được ban lãnh đạo cho rằng "đúng đắn và phù hợp", nhưng vì dịch bệnh và thiên tai kéo dài nên hoạt động những năm gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số định hướng dự kiến triển khai năm 2021 của DLG là hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được bổ sung quy hoạch và được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư như dự án nhà máy điện gió Ia Boòng - Chư Prông, Ia Pếch – Ia Grai, Ia Blứ 1 và Ia Blứ 2, các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, dự án đường Tam Tân và Nút Xoay An Hạ TP. HCM, dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh miền trung.
Ngoài ra, DLG cũng dự kiến đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thành đầu tư các dự án thủy điện Tân Thượng, dự án khách sạn Đức Long 1 tại Gia Lai, cùng với đó tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tài chính công ty, thoái vốn các dự án kém hiệu quả, tập trung nguồn vốn để thực hiện thành công các dự án tiềm năng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Được biết, vào hồi tháng 6 vừa qua, nhóm cổ đông cá nhân lớn đã bán ra 4,1 triệu cổ phiếu DLG khi giá cổ phiếu này bật tăng. Theo đó, cổ đông Nguyễn Đăng Quang bán ra 2.750.000 cổ phiếu DLG để giảm sở hữu từ 4,78% về còn 3,86% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, cổ đông Nguyễn Hải cũng đã bán ra 1.350.000 cổ phiếu DLG để giảm sở hữu từ 1,23% về còn 0,78% vốn điều lệ.
Cả hai giao dịch đều được thực hiện vào ngày 17/6. Được biết, hai cổ đông Nguyễn Đăng Quang và Nguyễn Hải là nhóm cổ đông liên qua tới nhau. Như vậy, sau giao dịch nhóm cổ đông cá nhân này đã giảm sở hữu từ 6,01% về còn 4,64% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn của DLG.
Trên thị trường, cổ phiếu DLG chốt phiên giao dịch ngày 16/9 đạt 3.430 đồng/cổ phiếu. Mặc dù thị giá cổ phiếu đang ở mức rất thấp so với mệnh giá, nhưng thanh khoản của cổ phiếu này lại luôn ở mức cao với hàng triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay sau mỗi phiên giao dịch. Cá biệt trong phiên giao dịch ngày 14/9 vừa qua, khối lượng cổ phiếu được giao dịch lên tới 26.745.400 đơn vị, tương đương với giá trị giao dịch hơn 92 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm