Vì sao cổ phiếu PME bị hủy niêm yết?

ĐÌNH ĐẠI 11/11/2021 04:50

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu đối với cổ phiếu PME của Công ty CP Pymepharco.

Theo đó, toàn bộ 75.011.625 cổ phiếu PME sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ 6/12/2021 do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng. Cổ phiếu PME sẽ giao dịch phiên cuối tại HoSE vào ngày 3/12/2021. Như vậy, PME sẽ chính thức rời sàn chứng khoán sau 5 năm niêm yết.

Trước đó, ngày 21/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty CP Pymerpharco. Động thái này diễn ra sau khi doanh nghiệp lớn thứ 2 ngành dược trên sàn chứng khoán Việt Nam “bán mình” cho đối tác ngoại (Đức) với tỷ lệ sở hữu hơn 99% vốn điều lệ.

toàn bộ 75.011.625 cổ phiếu PME sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ 6/12/2021 do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng.

Toàn bộ 75.011.625 cổ phiếu PME sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ 6/12/2021 do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng.

Như vậy, căn cứ quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 32 và Khoản 4 Điều 135 Luật chứng khoán 2019, công ty đã không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và huỷ tư cách công ty phải được ĐHĐCĐ quyết định.

Vào hồi đầu năm 2021, PME đã thông qua Nghị quyết cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ của công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Kể từ ngày ra Nghị quyết, Stada và người có liên quan đã nhận chuyển nhượng cổ phần PME, thay đổi loạt nhân sự mới là người của Stada. Tính đến cuối năm 2020, Stada Service Holding B.V tăng sở hữu lên 88% và tiếp tục tăng lên 99,5% vào cuối tháng 2/2021.

Đây là bước đi đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. Mục đích nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông khi PME thực hiện hủy tư các đại chúng cũng như hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Stada Service Holding B.V là công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức). Đơn vị này gia nhập PME từ năm 2008, sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. 

PME sớm lọt vào tầm ngắm của STADA trong tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh ra thị trường quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, STADA đã M&A hàng loạt các đơn vị trong khu vực gồm mua lại Walmark, nhà sản xuất các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng hàng đầu tại khu vực Trung Âu, mảng kinh doanh sản phẩm Biopharma - một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Ukraine và công ty dược phẩm sinh học Alvotech của Iceland…

Tiền thân của PME là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, được thành lập vào ngày 23/7/1989. Trải qua 30 năm, từ một công ty dược địa phương chuyên phân phối vật tư, trang thiết bị y tế nhỏ lẻ, PME hiện là một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP, hệ thống phân phối với 19 chi nhánh rộng khắp cả nước, các văn phòng đại diện, cửa hàng chuyên doanh.

Đầu năm 2018, PME khởi công xây dựng Nhà máy Dược phẩm PME II, có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng trên diện tích hơn 30.000 m2 tại Phú Yên. Nhà máy dược phẩm PME II được đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật EU - GMP. Hiện PME được định giá ở mức 6.200 tỷ đồng, đứng thứ hai trong số các doanh nghiệp trong ngành và chỉ xếp sau Dược Hậu Giang.

Diễn biến giá cổ phiếu PME trên sàn HoSE.

Diễn biến giá cổ phiếu PME trên sàn HoSE.

Về tình hình kinh doanh, PME kinh doanh đi ngang trong quý III/2021 với doanh thu 468 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt hơn 304 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đã thực hiện được 66% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Tính đến 30/9, PME có tổng tài sản 2.777 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 1.604 tỷ đồng, còn tài sản dài hạn chiếm 1.173 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của PME đạt 2.138 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt hơn 170 tỷ; quỹ đầu tư phát triển đạt 974 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 244 tỷ đồng.

Về nợ, trong kỳ công ty có 639 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 635 tỷ đồng và 4 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong kỳ, công ty cũng có 739 tỷ đồng hàng tồn kho.

PME không phải là doanh nghiệp dược duy nhất và đầu tiên nằm trong "tầm ngắm" của các tập đoàn dược lớn của thế giới. Trước đó, từ đầu năm 2019 "anh cả" của ngành dược là Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã là đơn vị tiên phong trong việc nới room ngoại lên 100% và chính thức trở thành công ty con của Taisho, một công ty dược phẩm Nhật Bản nắm giữ 51% cổ phần.

Ngoài ra, tại Traphaco (TRA), cổ đông ngoại cũng đang nắm giữ hơn 43% vốn điều lệ. Trong đó, hai tổ chức nắm giữ nhiều cổ phần nhất là Magbi Fund Limited (25% vốn) và Super Delta Pte Ltd (15,12% vốn). Một doanh nghiệp quy mô khác là Domesco (DMC) cũng sớm được công ty con thuộc tập đoàn Abbott – CFR International Spa nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cổ phần với tư cách là cổ đông chiến lược. Chuyện tương tự cũng đã và đang diễn ra tại Imexpharm, OPC, Mekophar…

Điều đó cho thấy, thị trường dược Việt Nam đang là một trong những miếng bánh đầu tư giàu tiềm năng và hấp dẫn nhất so với khu vực. Một mặt khác, việc PME rời sàn để về tay nhà đầu tư ngoại toàn phần cũng là lời cảnh báo mối nguy doanh nghiệp Việt “ngấm thuốc" M&A từ các Tập đoàn dược phẩm quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Tránh

    Tránh "án" hủy niêm yết TTF, "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín sẽ làm gì?

    11:00, 16/09/2021

  • Các sàn giao dịch ồ ạt huỷ niêm yết XRP

    Các sàn giao dịch ồ ạt huỷ niêm yết XRP

    12:56, 30/12/2020

  • Vì sao VE9 hủy niêm yết trên HNX?

    Vì sao VE9 hủy niêm yết trên HNX?

    04:00, 04/11/2020

  • BDP hủy niêm yết vì đâu?

    BDP hủy niêm yết vì đâu?

    04:00, 26/10/2020

ĐÌNH ĐẠI