Cổ phiếu lúa gạo nổi sóng do lo ngại chiến sự Nga - Ukraine
Chiến sự Nga - Ukraine dẫn tới lúa mì - nguồn cung từ Nga chiếm phần lớn thị trường trở thành ẩn số. Căng thẳng giá lương thực trên thị trường quốc tế đã đẩy sóng cổ phiếu ngành lúa gạo tuần qua.
Cơ hội lớn từ cổ phiếu ngành gạo
Nhóm cổ phiếu lúa gạo trên sàn niêm yết đã có mức tăng ấn tượng trong những tháng đầu năm 2022. Đó là cổ LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, AFX của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang; TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR)...
LTG cán mốc 40.000 đồng/cổ phiếu với tổng giao dịch trung bình mỗi phiên từ 20 đến 50 tỷ đồng; TAR cán mốc 40.200 đồng/cp và AFX cán mốc 15.800 đồng/cp. Đây là mức giá tăng khá cao đối với nhóm cổ phiếu ngành lúa gạo tại Việt Nam.
Với LTG, mới đây đơn vị thành viên là Công ty CP Nông sản Lộc Trời (LTA) vừa giao đợt hàng đầu năm hơn 4.500 tấn trị giá hơn 3 triệu USD (80 tỷ đồng), xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông và các quốc gia láng giềng châu Á.
Các ngân hàng tham gia tài trợ vốn gồm có Vietcombank, HDBank, TPBank, Maritime Bank… đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất và cung ứng của Vật tư Nông nghiệp (LTV). Trong đó, doanh thu LTV hiện đóng góp chính cho Tập đoàn với hơn 5.100 tỷ đồng trong năm 2021. Thông qua LTV, LTG hiện đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Corteva Agriscience (Hoa Kỳ), tập đoàn Bayer CropScience (Đức), Map Pacific (Singapore), DEVI Cropscience (Ấn Độ), UPL (Ấn Độ)…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo và cổ phiếu của ngành gạo Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2/2022 đạt 142.128 tấn với trị giá 68 triệu USD, tăng 9,2% về khối lượng và giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 647.763, trị giá 314 triệu USD, lần lượt tăng 36,2% và 19,8% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia dự báo, tình hình chiến sự tại Ukraine-Nga nổ ra, trên thị trường gạo đặt cược rằng mặt hàng này sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mì. Và người mua bắt đầu tranh giành mua bất cứ loại ngũ cốc nào.
Giá gạo Mỹ ngày 3/2 đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Tính từ đầu tuần đến nay, giá gạo Mỹ đã tăng 11%, cao nhất kể từ năm 2018.
Tại Châu Á, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này cũng tăng khi các tuyến đường vận chuyển sang Trung Quốc được mở cửa trở lại, giữa bối cảnh các thương nhân hai nước cũng đặt cược vào nhu cầu bổ sung từ những khách hàng đang tìm kiếm các nguồn thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Do vậy, xung đột ở Ukraine đang diễn ra có thể khiến người mua nhập khẩu nhiều gạo hơn từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng do Trung Quốc đang mở lại biên giới với Việt Nam sau giai đoạn hạn chế chống COVID-19. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp và cổ phiếu ngành lúa gạo thăng hoa...
Có thể bạn quan tâm