Cổ phiếu APH giảm sau thông tin ngừng phương án phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

HÀ PHƯƠNG 28/05/2022 05:21

Cổ phiếu APH - Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 27/5 xuống còn 16.450 đồng/cp, với thanh khoản còn 3 triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên.

Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Cổ phiếu APH giảm sâu sau thông tin ngừng phát hành trái phiếu riêng lẻ

Cổ phiếu APH giảm sâu sau thông tin ngừng phát hành trái phiếu riêng lẻ

Như vậy so với giá đầu năm, APH đã mất đi ½ thị giá. Cổ phiếu này cũng tiếp tục giảm sâu sau thông ĐHĐCĐ của APH trình các cổ đông thông qua không tiếp tục thực hiện phương án phát hành riêng lẻ tối đa 800 tỷ đồng trái phiếu đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Năm 2021, APH đã phát hành riêng lẻ thành công 450 tỷ đồng trái phiếu, số lượng còn lại chưa phát hành sẽ không được thực hiện. Ngoài hủy phát hành trái phiếu, APH cũng sẽ hủy kế hoạch đấu giá công khai 20 triệu cổ phiếu qua Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Những thông tin này đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong quý 1/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đạt 136.500 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, trước thời điểm Thông tư số 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực, tháng 2, tháng 3, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ giảm dần.

Trong tháng 4, sau khi có những thông tin về vụ việc của Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh và ở mức khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính từ năm 2021 đến giữa tháng 5/2022, trái phiếu phát hành riêng lẻ đã vượt 780.000 tỷ đồng. Tổ chức tín dụng phát hành lớn nhất, chiếm 36,2%; tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,1% tổng khối lượng phát hành trong năm 2021.

Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro khi xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp có mục đích phát hành chưa minh bạch, lòng vòng trong việc sử dụng vốn, khối lượng phát hành lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, tài sản bảo đảm chưa được định giá, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân không tuân thủ quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN phát hành riêng lẻ thông qua dịch vụ do một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chưa đảm bảo chất lượng, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư còn thiếu minh bạch, chưa có đại diện người sở hữu trái phiếu… Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến APH ngừng phát hành lô trái phiếu riêng lẻ hơn 800 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu sẽ chỉ còn "đất diễn" cho doanh nghiệp niêm yết?

Theo báo cáo tài chính, hiện cơ cấu nguồn vốn tiếp tục dịch chuyển tích cực sau khi APH huy động thành công 557 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ nợ vay giảm dần, tính đến 31/12/2021 tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm xuống dưới 1, còn khoảng 0,83 lần, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 2,38 lần xuống còn 2,07 lần. Chi phí lãi vay trung bình của APH giảm từ 0,3 điểm phần trăm còn 5,3%. Tính thời điểm cuối năm 2021, công ty huy động được nguồn tiền dồi dào lên đến 2.612 tỷ để thực hiện các dự án Bất động sản Khu công nghiệp (KCN) và kế hoạch kinh doanh trong năm 2022.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 APH mới công bố, với doanh thu và lợi nhuận ghi nhận ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, trong quý, APH thu về hơn 4.475 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 70% so với cùng kì năm trước. Trong đó riêng doanh thu bán bán hàng hóa là 2.633 tỷ đồng, chiếm gần 59% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng của hoạt động này ghi nhận gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng với tỷ lệ thấp hơn ở mức 68,5% nên lợi nhuận gộp quý 1 của APH là 510 tỷ đồng, tăng gần 64% so với kết quả quý 1 năm trước.

Doanh thu tài chính trong kỳ sụt giảm 15% xuống mức 56,8 tỷ đồng, chủ yếu do trong quý APH ghi nhận khoản lỗ đầu tư 361 triệu đồng, trong khi quý 1/2021 ghi nhận lãi 35,5 tỷ đồng. Kết quả An Phát Holdings báo lãi trước thuế 116,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 82,7 tỷ đồng.

Năm 2022, APH đặt kế hoạch doanh thu 16.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện 2021), lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng (tăng 79% so với thực hiện 2021). Động lực tăng trưởng đến từ mảng kinh doanh KCN tăng trưởng, nhờ vào dự án KCN An Phát 1 đi vào hoạt động và đã nhận đặt chỗ hơn 20 ha từ khách hàng, dự kiến bàn giao trong năm 2022. Mảng bao bì, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng và nguyên vật liệu dự kiến đạt 15.650 tỷ doanh thu và 425 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, mảng nhựa kỹ thuật được kỳ vọng phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, đồng thời tăng tỷ trọng bao bì công nghiệp, bao bì tự hủy có biên lợi nhuận cao. Dự báo, biên lợi nhuận ròng của APH sẽ cải thiện trong năm 2022 nhờ giảm chi phí logistics và các chi phí phòng chống dịch COVID-19…

Có thể bạn quan tâm

  • Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: SOS

    Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: SOS

    10:24, 14/05/2022

  • Minh bạch giá cho thuê đất khu công nghiệp

    Minh bạch giá cho thuê đất khu công nghiệp

    04:00, 26/03/2022

  • Đầu tư công, trợ lực cho thị trường bất động sản khu công nghiệp

    Đầu tư công, trợ lực cho thị trường bất động sản khu công nghiệp

    11:00, 28/02/2022

  • Doanh nghiệp Cao su và Bất động sản khu công nghiệp nương tựa nhau ra sao?

    Doanh nghiệp Cao su và Bất động sản khu công nghiệp nương tựa nhau ra sao?

    05:00, 25/03/2022

  • Bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng mạnh trong năm 2022?

    Bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng mạnh trong năm 2022?

    04:00, 18/02/2022

HÀ PHƯƠNG