CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Thị trường tài chính Việt Nam chịu tác động của thế giới ra sao?
Sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu.
>>CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: "Giai đoạn vàng" phát huy vai trò kênh dẫn vốn
Phát biểu tại Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều nay (29/6), TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu chính sách tiền tệ được gọi là Monetary Policy là chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia. Vậy thì Chính sách tiền tệ của quốc gia nào hiện nay đang được thế giới quan tâm nhất và có tác động mạnh nhất đến chính sách tiền tệ của Việt Nam? Đó chính là chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.
Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ
Nói về chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, trong đó có chính sách lãi suất, TS Hiếu cho biết, cách đây 2 tuần Federal Reserve Bank of the US (Fed) đã tăng lãi suất Fed Funds thêm 0,75%, và do đó tăng lãi suất Fed Funds lên mức 1,5-1,75%. Nhiều dự báo cho thấy Fed có thể tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm, và do đó lãi suất có thể tăng lên đến 3,4% vào cuối năm nay và có thể lên tăng đến 3,8% vào năm 2023, có thể chỉ giảm vào năm 2024. Có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất trong năm nay và 2023.
Lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Trong những ngày vừa qua, chúng ta thấy vấn đề lạm phát tăng là điều người dân Mỹ hiện đang lo lắng nhất.
“Ngay cả gia đình tôi, trước đây 1 năm, khi đi chợ cuối tuần để mua thực phẩm, trung bình chúng tôi trả $100 là đủ thức ăn cho một tuần, thì bây giờ phải trả hơn $150. Cứ thế này thì rổ thực phẩm đủ cho 1 tuần sẽ phải trả $170 vào cuối năm nay. Đấy là chưa kể đến đổ xăng mỗi tuần để di chuyển. Giá xăng tăng chóng mặt: từ khoảng $4 cách đây 1 năm, nay lên đến $6,5/gallon (khoảng 4 lít xăng), tăng 60%. Tính ra tiền đồng, giá 1 lít xăng ở California hiện nay khoảng 37.000 đồng, vẫn cao hơn giá xăng ở Việt Nam, mà đấy là giá xăng thuộc vào nhóm rẻ nhất trên thế giới” – TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, trước lo lắng lạm phát tiếp tục tăng cao, Fed tăng lãi suất với mục đích kềm chế lạm phát, vì theo quan điểm của Fed, việc tăng lãi suất cùng với việc thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng (quatitative easing), tức là giảm việc mua trái phiếu Chính phủ, sẽ làm giảm cung tiền và từ đó sẽ kiểm soát lạm phát.
>>[TRỰC TIẾP] Tọa đàm Đầu tư tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
Ông phân tích rằng, các nhà kinh tế ở Mỹ không phủ nhận điều này, nhưng họ lo ngại những tác dụng tiêu cực của việc tăng lãi suất. Đó là: Lãi suất Fed Funds là một loại lãi suất tham chiếu (Reference Rate) nhưng tác động trực tiếp đến tất cả các loại lãi suất như lãi suất vay doanh nghiệp, lãi suất LIBOR trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, và đặc biệt làm tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Lãi suất tăng sẽ làm suy yếu vay tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, thị trường xe ô tô, thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tăng lãi suất chưa chắc đã kiểm soát được lạm phát, vì lạm phát bị tác động bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài bao gồm cuộc chiến tranh tại Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng, thực phẩm và làm gián đoạn nhiều giao dịch tài chính quốc tế, rồi giá dầu tăng cao do OPEC hạn chế sản xuất dầu hoả, và chuỗi cung ứng hàng hoá vẫn chưa được hồi phục vì những biện pháp chống dịch của Trung Quốc.
Nhiều kinh tế gia dự báo Mỹ sẽ đi vào suy thoái, hay ít nhất là một cuộc hạ cánh mềm (soft landing) trong vòng năm nay. Trong trường hợp tệ nhất là một tình trạng Stagflation (kinh tế vừa lạm phát, vừa trì trệ)
“Có thể nói, kinh tế Mỹ đang đi vào một giai đoạn khủng hoảng với lạm phát tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết và nhấn mạnh them “vấn đề không còn là liệu Mỹ có đi vào suy thoái hay không, mà câu hỏi đặt ra là chừng nào suy thoái đến, độ sâu của tình trạng suy thoái và thời gian suy thoái kéo dài bao lâu. Một điều chắc chắn là trong ngắn hạn Mỹ không thể đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%, mà trong một kịch bản tốt tỷ lệ lạm phát chỉ có thể được kéo xuống khoảng 6% vào cuối năm nay”.
TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Vậy thì, với những phân tích như trên, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của Mỹ và Việt Nam ra sao? Trả lời câu hỏi, TS Hiếu tiếp tục lý giải: hai ngày sau khi Fed tăng lãi suất, chỉ số DJI giảm mạnh xuống mức 29.889 từ mức 36.585 điểm vào ngày đầu năm, giảm khoảng 14%. Việc giảm sâu của DJI bị tác động trực tiếp bởi việc lãi suất Fed Funds tăng mạnh.
Thêm vào đó là tâm lý bi quan của thị trường. Với tâm lý bi quan này, nhà đầu tư Mỹ trở lại với những tài sản tài chính an toàn hơn và lợi suất cao hơn, trong đó có trái phiếu chính phủ. Lãi suất tăng cũng làm tăng giá trị của đồng đô la so với những đồng bảng khác. Cụ thể USD -Index tăng mạnh, lên 105 điểm, một ngày trước ngày Fed tăng lãi suất.
Với Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng bị tác động mạnh bởi việc Fed tăng lãi suất. VN -Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, 1 tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất.
“Có thể thấy, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam” – TS Hiếu nói. Kinh tế đang trên đà phục hồi với GDP Quý II dự báo tăng 5,6% cao hơn quý I là 5%. Lạm phát quý II dự báo tăng 3,1% so với 1,9% của quý I/ 2022.
Nhưng cuối cùng, TTCK Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền đầu tư với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. TTCK Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Do đó, khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì TTCK Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.
Đã đến lúc bắt đáy chứng khoán?
Câu hỏi của nhiều nhà đầu tư hiện nay là liệu TTCK của Việt Nam đã bắt đáy chưa? Theo ông Hiếu là chưa. Có khả năng VN- Index quay ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng còn lại của năm 2022.
Ông đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư là đây là lúc nên chọn “ngủ yên” hơn “ăn ngon” với những chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định. Cuối cùng là nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ và chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng.
Cũng tại Tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu đã phân tích và đưa ra một số đề xuất cho NHNN. Theo ông, hiện nay NHNN đang chịu nhiều áp lực: Kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Cụ thể, về kiểm soát lạm phát: NHNN đang cố gắng duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4%. Tỷ lệ lạm phát dự báo cho Quý II là 3,1%. NHNN không còn nhiều dư địa để duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4% cho cả năm trong khi giá dầu, giá sinh hoạt tăng hằng ngày. Bên cạnh đó giá hàng hoá trên thế giới tăng mạnh, với đà tăng nhập khẩu của Việt Nam, lạm phát nhập khẩu là điều đương nhiên. Việc duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% là một thách thức rất lớn.
Về hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục: NHNN chủ trương không siết chặt tín dụng và kềm chế lãi suất vay không cho tăng mạnh. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và hiện đang xin NHNN cấp thêm room tín dụng. Tất cả những điều này là hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được tiếp sức để tiếp tục quá trình phục hồi. Nhưng những điều này đang đi ngược lại chủ trương chống lạm phát: với một dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao, khác nào “lửa đổ dầu thêm”.
Thêm vào đó vấn đề tỷ giá cũng đang được cân nhắc kỹ lưỡng: Tỷ giá USD/VND chính thức đã tăng khoảng 1,6% từ đầu năm. Đặc biệt tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6 là tháng Fed tăng lãi suất và đẩy giá trị của đồng bảng xanh lên. Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu mà xuất khẩu là một trong những cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế. Thế nhưng, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu hàng sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất là hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Tọa đàm Đầu tư tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
13:30, 29/06/2022
Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
11:30, 29/06/2022
Thị trường chứng khoán đã xác lập đáy?
04:50, 24/06/2022
29/6: Toạ đàm Đầu tư Tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường Chứng khoán
17:43, 23/06/2022
CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: "Giai đoạn vàng" phát huy vai trò kênh dẫn vốn
14:21, 29/06/2022